Đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời vào nền nếp
Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 03/02/2016
Hoạt động quảng cáo ngoài trời còn nhiều bất cập. Ảnh: Thái Hiền |
Quy chế mới được kỳ vọng là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo (QC) ngoài trời. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội xung quanh vấn đề này.
- Hà Nội vẫn còn một số bảng QC vi phạm các quy định chưa được giải quyết triệt để, ông có thể cho biết lý do và hướng giải quyết?
- Là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, hoạt động QC ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội luôn diễn ra sôi động, phức tạp. Những năm vừa qua, Sở VH&TT Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng nỗ lực đưa hoạt động QC ngoài trời vào nền nếp, bước đầu thu kết quả khả quan. Tuy vậy, do các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động QC ngoài trời còn chưa chặt chẽ, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên những vi phạm về QC ngoài trời, nhất là QC tấm lớn vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thực hiện Pháp lệnh QC, năm 2012, Hà Nội đã xây dựng quy hoạch QC tấm lớn với 525 vị trí, trong đó có 33 vị trí trong khu vực nội đô. Ngay trong năm 2012, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu QC đã được cấp phép lắp dựng bảng QC ở 314 vị trí. Từ năm 2013 đến nay, Hà Nội không có vị trí nào trong quy hoạch được lắp dựng thêm bảng QC do vướng Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20-12-2012 của Bộ Xây dựng.
Theo thẩm quyền được giao, Sở VH&TT Hà Nội chỉ tiếp nhận và trả lời hồ sơ thông báo sản phẩm QC trên các bảng QC đã cấp phép trước đó, nhưng một số địa phương ngoại thành vẫn để doanh nghiệp lắp dựng công trình QC ngoài trời không đúng vị trí quy hoạch, không xin phép xây dựng.
Đáng nói hơn, theo quy định của Luật QC (có hiệu lực từ năm 2013), bảng QC đứng độc lập có diện tích dưới 40m2 không phải xin phép xây dựng, vì thế một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng điều này dựng bảng QC ngoài trời có hình thức tương tự như bảng QC tấm lớn tại những vị trí thuộc sở hữu tư nhân, không nằm trong quy hoạch QC tấm lớn trước đó. Khi các vi phạm phát sinh, Sở VH&TT Hà Nội đã phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện tháo hàng chục bảng QC vi phạm nhưng vẫn còn một số bảng vi phạm chưa bị tháo dỡ vì nhiều lý do.
Để có thể giải quyết triệt để, Quy chế mới quy định: Không quy hoạch mới công trình QC tấm lớn đứng độc lập trong khu vực nội thành. Bảng QC đứng độc lập có diện tích dưới 40m2 cũng phải thực hiện theo quy hoạch QC ngoài trời trên địa bàn thành phố… Thời gian tới, Sở VH&TT Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát và tháo dỡ các bảng QC vi phạm.
- Trên thực tế, việc quản lý biển hiệu, biển QC tại các công trình, nhà riêng khá phức tạp, vấn đề này sẽ được khắc phục thế nào?
- Tương tự như bảng QC độc lập, các quy định về quản lý biển hiệu, biển QC tại công trình, nhà ở riêng lẻ có những điểm vênh nhau và không phù hợp với thực tế. Cụ thể, Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng không quy định chiều cao, kích thước của biển hiệu nên các tổ chức, cá nhân thường làm biển hiệu rất to, có biển che kín mặt tiền nhà.
Nghị định 103 cũng không cấm đặt logo, nhãn hiệu của sản phẩm kinh doanh lên biển hiệu, nhưng Luật QC lại quy định rất rõ vấn đề này. Theo Luật QC, biển hiệu ngang có chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; biển hiệu dọc có chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu. Biển hiệu chỉ được phép ghi tên doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, không được đặt logo, nhãn hiệu, ngành nghề kinh doanh chính.
Trên thực tế, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp đặt biển hiệu khó có thể thực hiện theo các quy định vì thông tin về sản phẩm kinh doanh là quan trọng bậc nhất với cả người bán hàng và người mua hàng; càng khó đáp ứng yêu cầu lắp bảng QC ngang tại các công trình, nhà ở phải ốp sát vào ban công (Thông tư 19/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng) vì nhiều nhà ở Hà Nội không có ban công nhưng lại có mặt tiền, có hoạt động kinh doanh và có nhu cầu quảng cáo. Bởi vậy, quy định về biển hiệu trong Quy chế mới cơ bản tuân thủ Luật QC nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đó là biển hiệu có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải có giấy phép xây dựng. Bảng QC ngang lắp đặt tại mặt tiền các công trình, nhà ở riêng lẻ nếu công trình đó không có ban công, mái hiên thì có thể ốp vào mặt tường nhà, mặt ngoài bảng QC nhô ra khỏi mặt tường nhà không quá 0,2m, không che chắn thông gió, chiếu sáng.
Đối với bảng QC treo, dán, ốp vào mặt tường công trình, nhà ở riêng lẻ ở khu vực nội thành, chiều cao bảng không cao 5m, chiều dài không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng, số lượng không quá 2 bảng, tổng diện tích 2 bảng tối đa là 40m2. Mặt tường bên công trình, nhà ở riêng lẻ tiếp giáp với hè đường giao thông từ ngã ba các đường phố trở lên, chiều cao của bảng không được vượt quá 2m…
- Những năm gần đây, nhu cầu QC trên băng rôn rất lớn, vi phạm về hình thức QC này ngày một nhiều. Theo ông, những quy định mới có giải quyết được các vấn đề còn tồn tại hay không?
- So với những quy định trước đó về QC trên băng rôn, Quy chế có nhiều nội dung thông thoáng hơn. Số lượng băng rôn QC cho các chương trình nghệ thuật, hội chợ, triển lãm tăng từ 20 lên 50 băng rôn/chương trình; băng rôn giới thiệu về chương trình an sinh xã hội tăng từ 200 lên 500 băng rôn; chương trình tuyên truyền nhiệm vụ chính trị có nội dung QC được thực hiện theo phương thức xã hội hóa thì tùy thuộc vào quy mô, tính chất của hoạt động và thời gian diễn ra sẽ được bố trí số lượng băng rôn phù hợp. Việc treo băng rôn chỉ được thực hiện tại một số điểm thành phố cho phép quảng cáo băng rôn trong khoảng thời gian 10-15 ngày (tùy sự kiện), hết thời gian quy định các tổ chức, cá nhân phải tổ chức tháo dỡ.
Những quy định này theo tôi nghĩ là phù hợp với tình hình thực tế. Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, các sự kiện diễn ra dày đặc nên thành phố không thể đáp ứng tối đa nhu cầu QC băng rôn của các tổ chức, cá nhân. Trước sự vi phạm tràn lan, thời gian vừa qua, Sở VH&TT Hà Nội buộc phải áp dụng biện pháp tình thế là đóng dấu “quảng cáo vi phạm” trên các băng rôn. Biện pháp này phần nào góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội về QC vi phạm, nhưng chúng tôi vẫn luôn mong muốn nhận được sự ủng hộ và tự giác thực hiện từ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu QC hơn là phải dùng đến biện pháp mạnh.
Ngoài những điểm mới nêu trên, Quy chế còn quy định rõ về những khu vực không được phép QC, khu vực hạn chế QC… Với những quy định đầy đủ và khoa học, tôi tin Quy chế là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động QC trên địa bàn, đưa hoạt động QC ngoài trời vào nền nếp.
- Xin cảm ơn ông!