Hàng loạt ATM nghỉ Tết sớm
Tài chính - Ngày đăng : 22:06, 02/02/2016
Trường hợp ATM báo hỏng xuất hiện ở rất nhiều ngân hàng, đặc biệt tại những vị trí tập trung nhiều máy rút tiền từ 2 - 3 máy trở lên, sẽ có một máy báo hỏng.
Cá biệt như trường hợp tại chi nhánh ngân hàng Vietcombank số 211 Trung Kính, cả hai chiếc máy ATM tại đây đều hiện dòng chữ "Máy ATM tạm thời ngừng phục vụ". Khi vừa bước chân vào gửi xe, bảo vệ của ngân hàng đã hỏi khách hàng vào rút tiền ATM hay giao dịch trong ngân hàng. Nếu là rút tiền, bảo vệ sẽ thông báo ngay máy hỏng và mời khách hàng di chuyển đến địa điểm khác.
2 máy ATM hỏng tại chi nhánh Vietcombank 211 Trung Kính - Ảnh: Minh Tú |
Cách đó không xa là vị trí đặt 2 cây ATM của ngân hàng Vietinbank. Tuy nhiên chỉ một cây trong đó còn sử dụng được. Nhiều người phải xếp hàng chờ đợi nhau.
Anh Thành - nhân viên văn phòng cho biết: "Mình dùng thẻ Vietcombank, nhưng nhu cầu cần tiền gấp nên đành phải rút ở cây ATM của Vietinbank. Cây ATM hỏng nhưng không hiện thông báo lên màn hình, khi mình đưa thẻ vào giao dịch rút tiền mới báo cây không trả được tiền do lỗi thiết bị. Trong khi đó mình vẫn bị Vietcombank trừ phí truy vấn tài khoản 550 đồng."
Anh Thành nhẩm tính, riêng buổi sáng nay anh đã mất hơn 5.000 đồng chỉ cho phí truy vấn tài khoản vì "sờ vào cây nào cũng báo hỏng".
Một số điểm rút tiền ATM của VPBank, BIDV, Techcombank trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng cũng trong tình trạng tương tự khi liên tiếp báo thiết bị hỏng.
Lỗi thiết bị hiển thị trên màn hình của ATM VietinBank - Ảnh: Minh Tú |
Có thói quen dùng thẻ đã lâu, nhưng anh Công tỏ ra bức xúc khi những dịp cận Tết năm nào cũng vậy, rút được vài trăm đến một triệu ra để tiêu cũng khó. Tối ngày 31/1, chỉ để rút 1 triệu đồng đi liên hoan tất niên mà anh phải đội mưa đi tất cả các cây ATM trên đường Hoàng Quốc Việt mới có thể rút được vì đa số các cây đều báo hỏng.
Chị Nguyễn Thu Hà (nhân viên văn phòng, Hà Nội) cho biết: "Ngày bình thường thì chẳng cái máy nào báo hỏng cả, đến dịp cuối năm lương thưởng trả qua thẻ, không rút tiền thì lấy gì để sắm Tết. Thế nhưng mất cả buổi chiều mà không rút nổi tiền. Cây nào mà còn hoạt động thì người dân đứng kín vỉa hè để chờ đến lượt mình".
Một trong hai cây ATM báo hỏng, người dân ngao ngán xếp hàng chờ đợi - Ảnh: Minh Tú |
Anh Lê Việt Dũng (quê Lào Cai) chia sẻ, kinh nghiệm của anh là không nên đến những khu vực nội thành để rút tiền, thay vào đó đi xa hơn đến địa bàn một số đường gần ngoại thành, ở đó nhu cầu rút tiền thấp hơn, các cây chắc chắn còn tiền và vẫn còn hoạt động.
"Theo mình nghĩ thì không phải cây ATM hỏng, mà đơn giản là cây hết tiền thôi, ngân hàng không đưa kịp lượng tiền mới vào nên cài đặt máy báo hỏng. Bởi bây giờ máy báo hết tiền là ngân hàng sẽ bị phạt" - anh Dũng cho biết.
Từ ngày 12/12 vừa qua, Nghị định 96/2014/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động ATM. Theo Điều 28 Nghị định 96, trong trường hợp ngân hàng “không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định” sẽ bị áp dụng mức phạt từ 10-15 triệu đồng.
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã dự liệu các vấn đề về hoạt động của hệ thống ATM. "Ngay ngày đầu tiên của tuần rút tiền cao điểm của người dân, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 592, chỉ đạo gấp tới các đơn vị trong hệ thống, nhằm đảm bảo phục vụ tối đa yêu cầu rút tiền, giao dịch của người dân", ông Tiên nói.
Cụ thể, các ngân hàng cần thường xuyên giám sát tồn quỹ ATM để bổ sung kịp thời, đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch tăng cao vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Lượng tiền mặt cung ứng có cả tiền mới, tiền đã qua lưu thông và ưu tiên hàng đầu là dành cho các máy ATM. Các đơn vị này cũng được yêu cầu chủ động theo dõi, phản hồi kịp thời các phản ánh của dư luận về những vấn đề phát sinh đối với hoạt động ATM của đơn vị mình, tránh gây hiểu lầm, làm giảm lòng tin của khách hàng.
Giám đốc Sở giao dịch và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố phải cung ứng kịp thời, đầy đủ tiền mặt cho nhu cầu phục vụ máy ATM của các nhà băng, không để tình trạng trì trệ, khất hoãn tiền mặt nói chung, nhất là cho ATM.