Chủ động trong mọi tình huống
Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 02/02/2016
Đợt rét đậm, rét hại vừa qua ảnh hưởng lớn tới diện tích lúa, mạ vụ xuân đã gieo cấy của các tỉnh phía Bắc. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Sau đợt rét này có khoảng hàng nghìn héc ta rau màu bị thiệt hại, hàng trăm héc ta cây dược liệu và rất nhiều cây ăn quả, thậm chí cây lâm nghiệp bị gãy đổ do băng tuyết...
Chăm sóc rau vụ đông tại xã Nam Hồng (Đông Anh). Ảnh: Hải Anh |
Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội): Đợt rét kỷ lục vừa qua đã gây thiệt hại trên 226,2ha mạ, lúa cấy sớm và rau màu. Cụ thể, thị xã Sơn Tây có 20ha lúa cấy sớm, huyện Quốc Oai có 15,5ha mạ và lúa cấy sớm bị thiệt hại. Đối với huyện Thanh Oai, rét đã làm ảnh hưởng 14ha mạ, 40ha rau màu. Ảnh hưởng lớn nhất là huyện Thường Tín với 133ha, trong đó 73ha mạ, 4ha rau màu chết và 56ha rau màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện công tác thống kê thiệt hại vẫn tiếp tục.
Theo dự báo, tháng 2 vẫn sẽ có nền nhiệt độ ấm hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, với trà lúa xuân muộn nên canh tác bằng các giống lúa ngắn ngày, lúa lai… Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương chủ động phương án trong sản xuất để đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết.
Ông Ma Quang Trung cho biết, Bộ đang cùng các địa phương hướng dẫn nông dân khắc phục những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Đối với vùng miền núi, bà con cần khẩn trương thu hoạch những loại cây rau màu chuẩn bị hoặc đến thời điểm thu hoạch bởi nếu để băng tuyết phủ kín cây trồng sẽ bị hỏng. Đối với những nơi ít băng tuyết có thể dùng sào gạt cho băng tuyết không bám trên cây rau màu và tiếp tục chăm sóc cho cây sinh trưởng. Cây ăn quả cũng cần phải gạt hoặc rung cây để băng tuyết rơi xuống. Đối với vụ xuân 2016, lúa xuân sớm đã cấy được khoảng 11.000-13.000ha, có nơi bắt đầu hồi xanh, có nơi bắt đầu giai đoạn đẻ nhánh. Còn mạ gieo đã lên 2-4 lá nên rất dễ bị thiệt hại do rét.
Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo, đối với diện tích lúa đã cấy, nông dân phải giữ nước trong ruộng và tuyệt đối không được bón đạm. Đối với mạ, bà con bón tro bếp, giữ nước và phủ ni lông. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chuẩn bị lượng giống ngắn ngày để gieo vào tiết lập xuân bởi khung thời vụ vẫn còn rộng. Đặc biệt, nông dân nên tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để phòng chống rét cho mạ cũng như lúa mới cấy. Tranh thủ thời tiết ấm lên, người dân cần làm đất nhanh trước Tết để ruộng chờ mạ. Với các vùng đã cấy trước khi xảy ra rét hại, khi trời ấm lên, cần kiểm tra tình trạng mạ và lúa đã cấy. Nếu nhổ lúa thấy rễ lúa đã đen lại, các lá trên đã có biểu hiện héo, cần chủ động bố trí gieo bổ sung bằng các giống trà xuân muộn, lúa thuần, lúa lai để thay thế diện tích này. "Nếu đợt này mạ bị chết có thể thay thế bằng các giống ngắn ngày. Bà con vẫn còn thời gian làm lại, bởi trà xuân muộn thời gian còn dài", ông Ma Quang Trung lưu ý.
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh gieo mạ khi thời tiết ấm lên. 100% diện tích mạ phải được che phủ ni lông theo đúng kích thước và giữ nước tại các chân ruộng mạ để giữ ấm cho cây. Ở những nơi mạ bị chết, các địa phương hướng dẫn người dân khẩn trương gieo bù, lựa chọn các giống lúa có thời gian sinh trưởng phù hợp với từng trà xuân sớm hoặc xuân muộn. Đợt rét hại vừa qua, tuy Hà Nội thiệt hại không lớn nhưng cần có biện pháp sớm khắc phục để bà con yên tâm sản xuất đón tết Nguyên đán.