Ứng xử có văn hóa
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 02/02/2016
Thứ nhất, bắt đầu từ ngày này, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý người đi bộ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Tác hại của việc này không chỉ là nguyên nhân gây ra một số vụ tai nạn giao thông cho bản thân đối tượng tham gia giao thông là người đi bộ mà còn khiến nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông như mô tô, ô tô, xe gắn máy… phải chịu vạ oan, nhiều khi trực tiếp nguy hiểm tới tính mạng hoặc mang thương tật suốt đời. Nếu chiểu theo Luật Giao thông đường bộ, khi người đi bộ vi phạm luật thì cũng phải được xét xử công bằng cùng với các đối tượng khác tham gia giao thông, song có luật bất thành văn là người điều khiển xe to, xe có giá trị cao luôn phải đền cho người điều khiển phương tiện "nghèo" hơn mình, và cứ như vậy, người đi bộ… bao giờ cũng đúng dù là phạm luật với các hành vi như đi bộ dưới lòng đường, băng qua dải phân cách hoặc tùy tiện cắt ngang dòng phương tiện, vượt đèn đỏ… Luật Giao thông đường bộ có quy định rõ, nhưng tiếc là từ khi có hiệu lực (năm 2008) tới trước thời điểm ngày 1-2-2016, người đi bộ có vi phạm luật cũng không bị xử lý, hoặc lại còn nhận được sự cảm thông của xã hội.
Như thế, chưa phải là sự bình đẳng trước pháp luật. Như thế, những quy định của luật pháp chưa được triệt để thực hiện. Và đó cũng là nguyên nhân khiến người ta "nhờn" luật, những hành vi ứng xử trong giao thông của đối tượng này nằm ngoài vòng kiềm tỏa của luật pháp, dẫn đến thái độ tùy tiện, tự cho mình cái quyền "coi trời bằng vung".
Tất nhiên, để người đi bộ tham gia giao thông một cách đúng luật còn cần những điều kiện kèm theo, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật. Song đó là một câu chuyện khác. Tóm lại, để hướng tới mục tiêu các đối tượng tham gia giao thông một cách có văn hóa thì yếu tố đầu tiên cần phải có là nghiêm túc tuân thủ luật pháp.
Thứ hai, hôm qua tính theo âm lịch là ngày tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời nên theo tục lệ, sau khi cúng lễ người ta thường thả cá phóng sinh ở các ao, hồ, sông, ngòi. Ý nghĩa, nét đẹp văn hóa của phong tục này thì hầu như ai cũng biết và cũng bởi vậy mà tục lệ đó đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Song đáng tiếc là cùng với đó, những cách ứng xử thiếu văn minh với môi trường sống ngày càng trầm trọng, đặc biệt là nạn xả rác (như túi ni lông, bát hương, đồ thờ cúng…) ra ao, hồ, sông, ngòi. Do đó mà nhiều đội tình nguyện ra đời, không thiếu việc làm trong ngày ông Công, ông Táo để bảo vệ môi trường và thậm chí có làm bao nhiêu cũng không là đủ khi với nhiều người hành vi ứng xử thiếu văn minh với môi trường trở thành chuyện bình thường hàng ngày. Như vậy, nói cách khác, nhìn từ khía cạnh ấy là sự đáng báo động trong nếp sống văn hóa.
Dù câu chuyện phóng sinh trong ngày ông Công, ông Táo thiếu ý thức xả rác ra môi trường hoàn toàn khác với việc người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, song có thể thấy, sự phát triển của xã hội cần những ứng xử văn hóa phù hợp của con người đối với từng vấn đề trong xã hội.
Trở lại một chút với chuyện giáo dục đào tạo ở nước ta, xin không bàn hay phân tích hoặc so sánh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới xem những giờ học đạo đức, giáo dục công dân v.v… của chúng ta hiện nay là nhiều hay ít, nhưng trong ngày ông Công, ông Táo xem hình ảnh vợ chồng một đại sứ nước ngoài thực hiện nghi lễ thả cá chép theo truyền thống của người Việt trên Sông Hương tại Huế thật đáng để suy nghĩ và học tập.