Vì sự an toàn của mọi người
Giao thông - Ngày đăng : 06:21, 01/02/2016
- Đề nghị ông cho biết mục đích của việc triển khai kiểm tra, xử lý người đi bộ vi phạm TTATGT?
- Thời gian qua, tình trạng người đi bộ tham gia giao thông vi phạm và không chấp hành các quy định về TTATGT như đi qua đường không đúng nơi quy định, vượt qua dải phân cách, đi vào đường cao tốc… diễn ra khá phổ biến. Hành vi vi phạm TTATGT này không những gây nguy hiểm cho bản thân người đi bộ, là nguyên nhân gây cản trở giao thông và tai nạn giao thông mà còn làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật về ATGT. Đơn cử năm 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.696 vụ TNGT, trong đó liên quan đến người đi bộ là 112 vụ (chiếm 6,6%), TNGT do người đi bộ gây ra là 33 vụ (chiếm 2%). Vì vậy, để phục vụ nhân dân đón tết Nguyên đán Bính Thân, Phòng CSGT đã xây dựng kế hoạch nhằm hạn chế xuống mức thấp nhất tai nạn và ùn tắc giao thông, trong đó có việc xử lý người đi bộ vi phạm các quy định về TTATGT. Ngoài ra, trong kế hoạch này, đơn vị cũng sẽ xử lý người điều khiển xe mô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, dừng đỗ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; các trường hợp xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định trên tuyến cao tốc Vành đai 3.
Người dân nghiêm chỉnh chấp hành luật khi tham gia giao thông. Ảnh: Anh Tuấn |
- Đâu là căn cứ pháp lý để xử lý các vi phạm của người đi bộ và CSGT Hà Nội sẽ tập trung xử lý các hành vi vi phạm nào, thưa ông?
- Việc xử lý vi phạm của người đi bộ trên lĩnh vực TTATGT đã được quy định tại Điều 9, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và theo Nghị định số 107/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP). Theo đó, người đi bộ vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. Người đi bộ còn có thể bị phạt tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm như: Mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy. Với hành vi đi vào đường cao tốc, người vi phạm bị phạt tiền từ 80.000 đến 120.000 đồng...
Đi bộ qua đường không đúng luật, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: Thái Hiền |
- Vậy, biện pháp kiểm tra, xử lý của CSGT, nhất là việc cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính sẽ được thực hiện như thế nào?
- Từ hôm nay 1-2, CSGT sẽ thực hiện kế hoạch trên toàn địa bàn thành phố. Đối với vi phạm của người đi bộ, CSGT sẽ tập trung phát hiện, xử lý tại các nút giao thông trọng điểm có đèn tín hiệu giao thông, nơi có vạch sơn và cầu vượt cho người đi bộ và trên các tuyến cấm người đi bộ như: Đường Vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long, các cầu vượt cấm người đi bộ… CSGT cũng sẽ phối hợp với CA các quận, huyện, thị xã, các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với người đi bộ vi phạm, CSGT sẽ mời về trụ sở CA phường gần nhất để tiến hành lập biên bản xử lý.
Xin nói thêm, Phòng CSGT đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về các quy định của pháp luật về TTATGT, trong đó có nội dung liên quan đến các quy định của Luật Giao thông đường bộ đối với người đi bộ. Việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng. Phòng CSGT rất mong nhận được sự ủng hộ, chấp hành của người tham gia giao thông, vì lợi ích chung của thành phố cũng như vì sự an toàn của mọi người…
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!