Cần giải pháp căn cơ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:15, 01/02/2016

(HNM) - Với nhiều người, bóng đá Việt Nam đã có một năm 2015 không đến nỗi nào. "Nỗi buồn SEA Games" được khỏa lấp bởi việc đội tuyển U23 nam và đội tuyển quốc gia nữ lọt vào vòng đấu loại cuối cùng của châu lục trong hành trình tìm vé dự vòng chung kết Olympic 2016.

Tuy vậy, về cơ bản thì đó là một vòng đấu mà các đội tuyển của Việt Nam, cả đội nam và đội nữ đều không có hy vọng đạt được mục tiêu cuối cùng là giành vé tới Olympic 2016. Đội tuyển U23 nam đã rời vòng loại cuối cùng sau ba trận toàn thua và đội tuyển nữ sắp phải đương đầu với những đối thủ hơn họ một cách toàn diện, cơ hội là vô cùng thấp.

Người ta nói "thất bại là mẹ thành công". Chúng ta có thể hy vọng gì, cần làm gì để nuôi dưỡng hy vọng chiến thắng sau khi đã chịu quá nhiều thất bại và không thể có vị trí số một ngay cả trong khu vực bị coi là "vùng trũng" của thế giới bóng đá? Chúng ta đã ứng xử như thế nào sau mỗi lần thất bại đó?

Sau ngày U23 rời vòng chung kết khu vực Châu Á, HLV trưởng người Nhật Bản đã được đề nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Bằng cách này hay cách khác thì ai cũng hiểu rằng động thái đó thể hiện cách nhìn nhận về nguyên nhân của thất bại nói trên. Quân đá kém là do tướng bất tài! HLV ngoại mất thiêng và ý tưởng sử dụng HLV trong nước được lan truyền một cách nhanh chóng, như thể cứ thay HLV là có thể đổi vận ngay được.

Đó là một cách hiểu sai về nguyên nhân dẫn đến thành công hay thất bại của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là ở cấp độ các đội tuyển. Chúng ta có được thành công nhất định trong khu vực Đông Nam Á là bởi mặt bằng trình độ bóng đá Việt Nam và những điều kiện đi kèm tương xứng với vị thế… nhóm đầu của "vùng trũng". Chúng ta ra khỏi khu vực là thắng ít, thua nhiều bởi trình độ hạn chế, chứ không hẳn do cách bày binh bố trận hợp lý hay không.

Với bóng đá Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, giờ chưa phải lúc đem HLV ra để mổ xẻ, coi đó là nguyên nhân chính. Nguyên nhân lớn nằm ở mặt bằng trình độ cầu thủ nói chung. HLV giỏi mà cầu thủ đá hơn một hiệp đã "thở đằng tai" thì nhất định là rất khó thắng. HLV ra chiến thuật phù hợp với khả năng kỹ thuật của cầu thủ Việt Nam - điều mà chúng ta thường tự nhận - mà tuyển thủ không đủ sức sút bóng ra hồn, kỹ năng chơi đầu quá tồi, nói gì nên chuyện lớn lao.

Không nghi ngờ gì nữa, HLV chỉ là một trong vô số điều cần nói về nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam chưa thể ra "biển lớn". Lúc này, thay vì hướng vào một HLV cụ thể, chúng ta nên tự nhìn lại cách thức xây dựng và phương pháp vận hành nền bóng đá, các câu lạc bộ, các giải bóng đá trong nước. Hãy tự hỏi đó có phải là một nền bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa hay chưa? Hãy tự đánh giá một cách khách quan về mặt bằng trình độ của cầu thủ, xem mặt bằng đó đã "kịch trần" với phương pháp huấn luyện và đào tạo hiện nay hay chưa? Hãy tìm ra nguyên nhân vì sao lứa cầu thủ trẻ tài năng bậc nhất, mới hơn một năm trước còn đủ khả năng thi thố "ra gì" trước những đội bóng hàng đầu châu lục ở cấp độ U19 mà năm nay đã dễ dàng "giương cờ trắng"?

Xin đừng vội loay hoay với vấn đề HLV. Hãy nghĩ đến những giải pháp căn cơ hơn như: nâng mặt bằng trình độ chung, cải tiến phương pháp điều hành nền bóng đá theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại... trước khi nghĩ tới những tấm huy chương, những tấm vé dự ngày hội bóng đá thế giới. Nói cách khác, nền không vững, khoan nghĩ chuyện xây nhà to là vì thế.

Dục Tú