Thung thổ nhà văn

Văn hóa - Ngày đăng : 07:51, 31/01/2016

(HNM) - Lâu nay, trong giới văn nghệ, tính chuyên nghiệp luôn được bàn ở nhiều góc độ, trong đó có chuyện về khoảng cách chất lượng sáng tác giữa văn nghệ sĩ khối cơ quan trung ương so với địa phương.

Không thiếu ngầm ý về chất lượng tác phẩm ở khối trung ương, nơi có điều kiện giao lưu, sáng tác được cho là thuận lợi, tập trung nhiều cây bút xuất sắc từ địa phương, cao hơn. Tuy nhiên, mới đây, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định rằng, chính lực lượng sáng tác ở địa phương, thậm chí là nhiều gương mặt không chuyên ở các vùng miền đã và đang mang lại cảm hứng lớn cho đời sống văn nghệ.

Trong văn học, nhận định nói trên là điều đáng được chia sẻ. Đỗ Bích Thúy trước khi "tiến về Thủ đô" là một cây bút hoàn toàn đắm mình trong cảnh sắc, đời sống, tâm hồn vùng cao Hà Giang. Nhà văn ấy trước hết là đứa trẻ nằm trên căn gác xép, thò đầu qua ô cửa nhỏ, một bên là chồng sách cũ và ngoài kia là thiên nhiên vùng cao gần gũi... Cũng như vậy, qua văn chương, người ta thấy rõ một Nguyễn Ngọc Tư của phương Nam, một Nguyễn Thị Kim Hòa của Ninh Thuận, một Trần Thùy Mai của Huế, hay một Tống Ngọc Hân của Lào Cai...

Xưa nay, đề tài cốt lõi của văn học, điểm tận cùng và chốn đi về của mỗi cây bút xoay quanh câu chuyện về thân phận con người. Thế nhưng, dưới mỗi góc nhìn, ở mỗi không gian văn hóa, thân phận ấy thể hiện những chiều kích khác nhau. Có được điều đó là nhờ "thung thổ văn hóa" của nhà văn. Không còn điều đó, văn chương chỉ là một trật tự câu chữ đơn điệu, mơ hồ.

Vì vậy, chuyên nghiệp, dở - hay không phải do ở địa phương hay ở trung ương. Chính bản sắc địa phương mới là niềm tự hào, điểm khởi đầu tin cậy của mỗi người viết. Thung thổ nhà văn là mạch sống, viết và là nguồn cảm hứng lớn cho các cây bút.

Sẽ thật đáng buồn nếu nhà văn không có được một không gian riêng có dung dưỡng ngòi bút của mình, để từ đó mà vươn xa, chạm vào nhân loại.

Người Lái Đò