Từ chuyện xử phạt người đi bộ...
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:10, 31/01/2016
Địa bàn xử lý tập trung tại các nút giao thông trọng điểm có đèn tín hiệu, vạch sơn và cầu vượt cho người đi bộ; trên các tuyến cấm người đi bộ… Theo đánh giá của đơn vị này, thời gian qua, tình trạng người đi bộ, cùng với người điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông còn nhiều, làm cản trở giao thông; là một trong các nguyên nhân gây ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Tính riêng trong năm 2015 xảy ra 112 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ (chiếm 6,6%), 33 vụ tai nạn giao thông (chiếm 2%) do người đi bộ gây ra…
Những đánh giá nêu trên hoàn toàn có cơ sở. Không riêng tại Hà Nội và các thành phố lớn mà trên địa bàn cả nước, thực tế người đi bộ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông diễn ra phổ biến. Cũng không riêng tại Hà Nội mà ở bất cứ đâu, chỉ cần thực hiện một khảo sát trực quan nhanh là có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh "băng mình sang đường liều mình như chẳng có", "vỉa hè ta không đi, lòng đường ta cứ bước", "vạch đinh, đèn đỏ ta cứ mặc"... Tại khu vực đô thị, tỷ lệ người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ cao hơn rất nhiều do mật độ tham gia đông hơn khu vực nông thôn. Người đi bộ vi phạm luật là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ hậu quả hết sức thương tâm. Nguyên nhân chính nằm ở ý thức của người đi bộ tham gia giao thông kém. Trong khi đó, cơ quan chức năng rất ít xử lý đối tượng này. Mặt khác, muốn xử lý người đi bộ vi phạm luật không dễ, bởi chẳng khác gì nắm kẻ "không có tóc" (trong trường hợp người đi bộ không mang theo giấy tờ tùy thân, không có tiền nộp phạt và kiên quyết không khai báo "nhà cháu ở đâu")...
Giao thông đường bộ có nhiều chủ thể tham gia với nhiều loại phương tiện khác nhau như người điều khiển, người sử dụng phương tiện cơ giới hoặc thô sơ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ... Quy định cũng như chế tài xử lý đối với người đi bộ phạm luật đã được nêu rõ trong Luật Giao thông đường bộ... Tuy vậy, đối tượng tham gia giao thông là người đi bộ vi phạm luật thường được "bỏ qua", "cho lọt"!
Việc xử lý vi phạm, bao gồm các hình thức từ xử lý hành chính (phạt tiền) đến truy cứu trách nhiệm hình sự là phù hợp, nhằm bảo đảm mọi chủ thể tham gia giao thông đều bình đẳng trước pháp luật và mục tiêu cao nhất là giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, vì sự an toàn của mỗi người. Tuy nhiên, để người đi bộ tuân thủ pháp luật, thực tế cho thấy có không ít vấn đề đặt ra: Hiện tại, hạ tầng kỹ thuật giao thông dành cho người đi bộ vẫn chưa bảo đảm. Chính vì thế, tại các tuyến đường, đặc biệt là khu vực đô thị, trước mắt cơ quan chức năng cần giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; bảo đảm vỉa hè thông thoáng; tăng cường các yếu tố kỹ thuật như hệ thống biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch, làn sang đường... Nếu không, rất khó xây dựng ý thức tuân thủ các quy tắc về trật tự an toàn giao thông ở người đi bộ một cách bền vững.