Học ở đâu xa

Xã hội - Ngày đăng : 08:14, 30/01/2016

(HNM) - Sau trận giao hữu giữa CLB B.Bình Dương với Muangthong United (Thái Lan), diễn ra cách đây ít ngày, bóng đá Việt Nam có thêm một bài học về cách làm bóng đá chuyên nghiệp.

Một pha bóng trong trận B.Bình Dương (phải) gặp Muangthong United. Ảnh: Độc Lập


Trước nay, người hâm mộ Việt Nam vẫn thán phục khả năng kiếm tiền của những đội bóng hàng đầu thế giới như Arsenal, Manchester City khi tới Việt Nam du đấu. Những chuyến du đấu đó giúp các nhà quản lý bóng đá Việt Nam ở mọi cấp độ hiểu thế nào là bóng đá chuyên nghiệp, cách kiếm tiền, lấy bóng đá nuôi bóng đá. Lúc ấy, chẳng mấy ai nghĩ rằng, ngay cạnh Việt Nam, Thái Lan cũng đang vận hành nền bóng đá chuyên nghiệp một cách hiệu quả dù ở mức độ thấp hơn so với những quốc gia có nền bóng đá phát triển như Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cho đến khi CLB Muangthong United thực hiện chuyến du đấu tại Việt Nam thì nhiều người mới giật mình, đơn giản là vì chưa có đội bóng nào ở nước ta từng thực hiện được một chuyến du đấu theo đúng nghĩa quảng bá hình ảnh, thu hút sự chú ý của người hâm mộ nước sở tại. Đó là điều còn xa vời với bóng đá Việt Nam dù chúng ta có điều kiện không thua kém bóng đá Thái Lan (ở cấp độ CLB) là bao. Chỉ cần so sánh đội hình của B.Bình Dương với Muangthong United là thấy rõ điều này. Nhưng người Thái đã đi trước một bước khi quyết tâm xây dựng hình ảnh ở những nước trong khu vực Đông Nam Á.

Muangthong United biết mình đang ở đâu nên đã chọn những mục tiêu "gần" thay vì mục tiêu "xa". Họ chọn Việt Nam - nơi có đông khách du lịch đến Thái Lan, chọn Báo Sài Gòn giải phóng làm đơn vị phối hợp tổ chức để tăng hiệu quả truyền thông, chọn năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Thái Lan... để thực hiện chuyến du đấu đầu tiên tại Việt Nam. Cách thức tổ chức chuyến du đấu cũng không khác biệt so với những lần đến Việt Nam của một số đội bóng Anh gần đây, nhưng gần gũi hơn với người hâm mộ.

Tất nhiên, để làm được điều này thì không chỉ có các cầu thủ nổi tiếng của CLB như D.Thonglao, T.Dangda… đóng vai trò hút người hâm mộ mà CLB còn phải có nguồn lực tài chính dồi dào, cách thức tổ chức chuyên nghiệp. Vì vậy, ở trận đấu với B.Bình Dương (không bán vé) đã có hàng chục phóng viên Thái Lan theo đội Muangthong United để đưa tin...

Việc đặt khán giả ở vị trí trung tâm của sự kiện đã giúp Muangthong United gặt hái thành công bước đầu khi thu hút khá đông khán giả đến sân Thống Nhất. Tiền đạo Lê Công Vinh của B.Bình Dương nói rằng, các CLB ở V.League phải nhìn vào cách làm của các đội bóng ở Giải Bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan để học hỏi, ít nhất là về cách kiếm tiền từ bóng đá. Đáng chú ý, Muangthong United mới bước vào làng bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan gần chục năm nay.

Họ áp dụng mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp của Anh và đã thành công bước đầu khi mỗi trận đấu trên sân nhà có sức chứa 16.000 người luôn thu hút khoảng 10.000 khán giả đến sân. Chính lượng khán giả thường xuyên này đã đem lại nguồn tài chính không nhỏ cho CLB. Trong khi đó, nhiều CLB của Việt Nam có "tuổi" lớn hơn nhưng lâu nay chỉ loay hoay tìm cách tồn tại nhờ bàn tay doanh nghiệp thay vì nguồn thu từ bóng đá.

Muangthong United thua B.Bình Dương 1-2 trong trận du đấu vừa qua nhưng với những gì diễn ra trên sân Thống Nhất và các sự kiện liên quan trước đó, đội bóng này đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh tại Việt Nam. Sau trận đấu với B.Bình Dương, nếu có đông đảo khán giả Việt Nam sang Thái Lan rồi tiện thể xem Muangthong United (đặt bản doanh tại thủ đô Bangkok) thi đấu, coi trận đấu của đội bóng này như một phần trong chuyến du lịch của mình thì đó cũng là bình thường.

Sau sự kiện CLB Muangthong United đến Việt Nam, những người làm bóng đá chuyên nghiệp chắc chắn sẽ phải tự hỏi rằng, đến bao giờ các CLB bóng đá Việt Nam mới có thể khuếch trương hình ảnh ra nước ngoài một cách bài bản và thể hiện tầm nhìn xa trong việc này?

Minh Quang