Thị trấn nhỏ chào đón em bé đầu tiên sau 28 năm

Xã hội - Ngày đăng : 11:05, 29/01/2016

(HNMO) - Một thị trấn nhỏ phía bắc nước Ý đang mở tiệc ăn mừng ngày chào đời của em bé đầu tiên được sinh ra kể từ năm 1980.

Thị trấn nhỏ Ostana chỉ có 85 cư dân, tính cả em bé mới chào đời. Ảnh: BBC


Thị trưởng của Ostana - thị trấn nằm trên các dãy núi vùng Piedmont (Ý), ông Giacomo Lombardo chia sẻ rằng sự xuất hiện của thành viên mới là "một giấc mơ trở thành hiện thực" đối với cộng đồng nhỏ bé với số dân tụt dốc trong vòng 100 năm qua.

Theo tờ La Stampa, bé Pablo được sinh ra tại một bệnh viện ở thành phố Turin, Ý cuối tuần trước là công dân thứ 85 của ngôi làng. Đầu những năm 1990, Ostana là nơi cư trú của hơn 1000 người, tuy nhiên từ sau Thế Chiến II tỷ lệ sinh đẻ giảm mạnh. "Thời gian khủng hoảng dân số thật sự bắt đầu từ năm 1975, từ năm 1976 đến 1987 chỉ có 17 em bé được sinh ra", ông Lombardo cho biết.

Ostana đang cố gắng đảo ngược xu thế giảm dân số trong khu vực bằng cách tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn để giữ chân người dân và thu hút người nhập cư. Cha mẹ của em bé Pablo đã lên kế hoạch di cư từ 5 năm trước nhưng họ đã từ bỏ ý định khi Ostana tạo điều kiện cho họ trở thành người quản lí các hộ dân tại ngọn núi ngay cạnh làng.

Sự ra đời của em bé mang lại niềm hy vọng mới cho các ngôi làng thiểu số khác. Ảnh: Daily Readlist



Một số người cho rằng câu chuyện về gia đình của em bé Pablo là dấu hiệu tốt cho các cộng đồng miền núi khác. Theo ông Marco Bussone từ Liên minh Quốc gia các Cộng đồng và Thị trấn Miền núi cho biết: "Bây giờ họ đã có nhiều lựa chọn hơn cho cuộc sống nên họ có thể sống và làm việc nơi miền núi". Ông cũng chia sẻ thêm rằng các chính sách mới như giảm thuế cho các doanh nghiệp sẽ giúp cộng đồng thiểu số thu hút thêm nhiều cư dân hơn.

Những ngôi làng nhỏ dọc nước Ý đang phải đối mặt với tình trạng giảm dân số, những người trẻ thường có xu hướng rời quê hương lên những thành phố lớn để tìm việc làm. Có nhiều biện pháp được đề ra, một số làng cố gắng xoay chuyển tình thế bằng cách trao tặng những căn nhà trống cho người dân, một số nơi khác lại nỗ lực duy trì số dân hiện có bằng cách "cấm" người dân ốm.

Diệu Linh