Duy trì sản xuất ổn định
Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 29/01/2016
Thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông trong những ngày mưa rét.Ảnh: Huy Khánh |
Nông dân vẫn xuống đồng, giá rau tăng
Giá rét kèm theo mưa phùn nhưng khí thế sản xuất tại "vựa" rau, hoa ở Mê Linh khá tấp nập. Anh Nguyễn Văn Tâm, thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh cho biết: Sau khi tính toán, gia đình đã trồng 1 mẫu hoa và 3 sào rau xanh phục vụ tết Nguyên đán Bính Thân. Theo anh Tâm, nền nhiệt giảm thấp khiến hoa sinh trưởng chậm, tỷ lệ hoa nở thấp hơn 50%.
Khảo sát tại chợ đầu mối hoa ở Mê Linh cho thấy, giá hoa cúc tăng nhẹ, từ 1.500 đồng/bông lên 2.000 đồng/bông. Chị Nguyễn Thị Kiểm chuyên buôn bán hoa cho biết, giá bán hoa tăng nhưng không phải do rét đậm, rét hại hay nguồn hàng khan hiếm mà tăng theo quy luật, hằng năm vào dịp tết Nguyên đán hoặc ngày rằm, mùng một, giá hoa đều tăng 5-10%, cá biệt có dịp tăng 30%.
Ngày 28-1, tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hiện tượng rét hại đã chấm dứt ở các tỉnh miền Bắc. Từ hôm nay, 29-1, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc nhiệt độ tăng dần, một số nơi trời hửng nắng. Dự báo, từ nay đến 31-1, khu vực phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, trưa, chiều có lúc giảm mây, hửng nắng, riêng ngày 31-1 có mưa rải rác vào đêm và sáng. Từ ngày 1 đến 6-2, nhiều mây, có mưa nhỏ rải rác trong ngày 1-2, sau có mưa vài nơi. Từ ngày 2-2, trời rét đậm, vùng núi cao có rét hại. Nhiệt độ thấp nhất từ 11 đến 13oC. Nhiệt độ cao nhất từ 13 đến 15oC. |
Khảo sát tại xã Tráng Việt, một trong những địa phương có diện tích trồng rau xanh lớn của huyện Mê Linh, 150ha rau xanh của xã không bị thiệt hại do rét đậm, rét hại mấy ngày qua. Tại vựa rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), đang ở kỳ thu hoạch rộ, ông Lê Minh Quyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: "Nguồn rau hữu cơ của các nhóm nông dân trên địa bàn xã ký hợp đồng cung ứng ổn định với các cửa hàng, dù giá rét; rau tăng trưởng chậm".
Nguồn cung rau xanh khá ổn định, nhưng ở một số chợ dân sinh, giá rau vẫn tăng. Bà Nguyễn Thị Bé, Chủ nhiệm HTX Văn Quán, đơn vị quản lý chợ đêm nông sản cho biết, giá rau củ quả trên thị trường mấy ngày qua tăng 10-15% tùy loại. Trái với sự tăng giá nhẹ ở các chợ đầu mối thì chợ dân sinh, chợ cóc giá rau xanh lại tăng đột biến, nhiều loại lên tới 40%, chủ yếu là do thương lái tùy tiện tăng giá kiếm lời. Tuy nhiên, tại hệ thống cửa hàng rau an toàn, rau hữu cơ của các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, giá bán vẫn ổn định.
Chăm sóc hoa tại huyện Mê Linh. Ảnh: Quỳnh Dung |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết: Hà Nội chỉ sản xuất và đáp ứng được nhu cầu tại chỗ 40-60% rau xanh, còn lại nhập từ các địa phương khác. Do phụ thuộc nguồn cung và lại do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại mấy ngày qua nên giá rau tăng nhẹ. Nhưng khó có thể xảy ra tình trạng khan hiếm rau xanh trên diện rộng, bởi các nhà cung cấp khá nhanh nhạy nắm bắt thị trường.
Phấn đấu bảo đảm tiến độ thi công
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các công trường cho thấy, không khí thi đua chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII rất sôi động. Những ngày này, đội ngũ cán bộ, kỹ sư công nhân của Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông 1 (Sở GT-VT Hà Nội) và các nhà thầu vẫn đang bám sát công trường, quyết tâm hoàn thành dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Ngọc Hồi (tại Km186+300, quốc lộ 1A cũ, huyện Thanh Trì) trước tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Gần 8.000 gia súc chết rét Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 28-1, đợt rét đậm, rét hại đã làm chết gần 8.000 con gia súc, trong đó có gần 6.000 con trâu, bò. Thiệt hại nặng nhất là tỉnh Sơn La với 2.756 con gia súc bị chết, Quảng Ninh là 653 con, Lạng Sơn 571 con, Nghệ An 560 con… Rét đậm, rét hại còn làm gần 6.000ha lúa, 81ha mạ và hơn 4.700ha rau màu bị thiệt hại, đứng trước nguy cơ mất trắng và 80.000ha rừng bị tuyết che phủ. |
Ông Trần Tiến Bộ, Phó Giám đốc Ban QLDA giao thông 1 cho biết, tính đến thời điểm này, các nhà thầu đã cơ bản thi công xong đơn nguyên 27m bên trái tuyến và phần đường đầu cầu phía Hà Nội và phía huyện Thường Tín. Những ngày này, dù thời tiết rất khắc nghiệt, mưa và lạnh song các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung máy móc, thiết bị triển khai thi công đoạn đường 2 đầu cầu phía Hà Nội (thuộc xã Ngũ Hiệp) và phía Thường Tín (thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì), quyết tâm thi công xong trước tết Nguyên đán 2016 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và các phương tiện tham gia giao thông qua cầu Ngọc Hồi.