Khai thác thủy sản xa bờ: Thiếu tàu lớn và dịch vụ hỗ trợ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:32, 27/01/2016
Khai thác thủy sản xa bờ còn nhiều hạn chế do chưa có phương tiện bảo đảm và dịch vụ hỗ trợ. |
Nhiều bất cập
Dù nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần phát triển đội tàu xa bờ và gia tăng sản lượng cho ngành khai thác, nhưng cả nước đến nay mới có 116.000 tàu cá với 140.000 lao động đăng ký. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, KTTS đang tồn tại quá nhiều bất cập, đơn cử như việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo KTTS chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
KTTS xa bờ đã được quan tâm nhưng đầu tư phát triển khai thác xa bờ đòi hỏi kinh phí lớn để trang bị các thiết bị khai thác hiện đại, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá KTTS. Ngoài ra, còn đòi hỏi ngư dân phải am hiểu ngư trường, kỹ thuật khai thác và khả năng áp dụng khoa học - công nghệ. Trong khi đó, hoạt động khuyến ngư trong KTTS chưa được quan tâm đúng mức, Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ dầu cho ngư dân đi khai thác xa bờ nhưng hiệu quả khai thác xa bờ còn hạn chế, kết quả thấp.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ KTTS cho biết, hiện KTTS gần bờ đã vượt quá giới hạn cho phép, nguồn lợi thủy sản ven bờ đang giảm xuống và có nguy cơ cạn kiệt. Song KTTS ven bờ vẫn đang là hoạt động chính của nhiều ngư dân. Trong khi đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát mỏng, kinh phí còn hạn chế nên vi phạm chưa được ngăn chặn kịp thời.
Hơn nữa, đối tượng dùng điện, lưới mùng để đánh bắt thủy sản phần lớn là hộ nghèo dẫn tới khó xử lý triệt để. Mặt khác, các địa phương lại thiếu kinh phí để hỗ trợ thực hiện chuyển đổi nghề bền vững cho các đối tượng này thành thử rối như canh hẹ. Công tác quản lý vùng khai thác cũng tồn tại không ít hạn chế và rất khó thực hiện vì ý thức của người dân về khai thác theo vùng được phân chia ranh giới trên biển với các tỉnh chưa cao, nhiều tàu khai thác xa bờ vẫn đánh bắt tại vùng biển ven bờ nên xảy ra có tình trạng tranh chấp…
Tổ chức lại sản xuất
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ, đội để các tàu có thể hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết và hình thành mô hình tàu dịch vụ vận chuyển sản phẩm đánh bắt vào bờ nhằm bảo đảm chất lượng; đồng thời cung ứng nước ngọt, nhiên liệu, lương thực giúp các tàu bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí đầu vào và đầu ra.
Hệ thống thông tin được thiết lập từ bờ ra các tàu khai thác bảo đảm liên lạc thông suốt khi cần báo bão, áp thấp nhiệt đới, giúp các tàu đang khai thác kịp thời tìm nơi trú ẩn an toàn tránh xảy ra thiệt hại về người và của. Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có điều kiện vươn ra khơi xa nâng cao sản lượng đánh bắt; việc giải quyết thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền, cấp giấy phép khai thác phải được công khai nhằm tăng khả năng tiếp cận của ngư dân về chính sách hỗ trợ của Chính phủ về mua, đóng tàu mới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để KTTS ổn định, bền vững các địa phương phải chú trọng tới việc phát triển đội tàu cá theo đúng quy hoạch tổng thể ngành Thủy sản, hạn chế đóng tàu nhỏ, khuyến khích tàu khai thác xa bờ, tàu hậu cần dịch vụ trong khai thác; hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho các hộ làm nghề khai thác ven bờ nhất là hộ nghèo; cần quy định rõ cơ chế phân cấp, phân quyền và trách nhiệm quản lý hoạt động KTTS ở các vùng biển cho các tổ chức, cá nhân đủ năng lực để thúc đẩy phương thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng bảo đảm phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững.
Cùng với đó, hình thành mô hình quản lý theo chuỗi giá trị trong hoạt động KTTS, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác nhằm gia tăng giá trị, an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại và đáp ứng nhu cầu hội nhập thương mại thủy sản quốc tế…