Xung lực mới cho nền kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 27/01/2016

(HNM) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới cho nền kinh tế phát triển trong những năm tới. Điều đó đã được thể hiện rõ ngay trong các văn kiện trình Đại hội và nhiều ý kiến tham luận, theo đó, đòi hỏi tiếp tục công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển toàn diện, nhanh, bền vững hơn.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Việt An. Ảnh: Minh Quang


Trong Báo cáo về các văn kiện trình bày trước Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên".

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong tham luận gửi tới Đại hội XII cho biết, khi bắt đầu mở cửa hội nhập, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chưa đạt 3 tỷ USD. Năm 2015, con số này đã tăng lên khoảng 330 tỷ USD. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo ngoại thương Việt Nam, từ một nước phải trông chờ vào hàng viện trợ nước ngoài đến cơ bản cân bằng được cán cân thương mại với quy mô lớn gấp nhiều lần trước đây.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định, tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng chưa thực sự vững chắc, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu còn thấp. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tuy đã chuyển dịch mạnh sang hàng chế biến, chế tạo, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhập siêu vẫn là nguy cơ, còn không ít bất cập trong cơ cấu nhập khẩu. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Chủ trương "Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" phải là một nội dung trọng tâm trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển bền vững.

Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế cũng được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu cụ thể trong tham luận của mình. Theo đó, quy mô ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2011-2015 gấp khoảng 2 lần giai đoạn 2006-2010 và hơn 5 lần giai đoạn 2001-2005. Cơ cấu thu nội địa tăng từ mức 58,9% giai đoạn 2006-2010 lên 68% giai đoạn 2011-2015, đến năm 2015 chiếm khoảng 74% tổng thu NSNN, cao hơn kế hoạch đề ra là 70%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng thu chỉ đạt 11%/năm, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2006-2010 (20%). Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, trong giai đoạn mới, một mặt phải phát triển và tái cơ cấu nguồn thu NSNN, tăng cơ cấu thu nội địa lên 80%; mặt khác xử lý tốt nợ công và bội chi. Mục tiêu phấn đấu là giảm dần bội chi NSNN, tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP giai đoạn 2016-2020, tính theo quy định của Luật NSNN (năm 2015) thì bình quân khoảng 4% GDP; đồng thời, bảo đảm đến năm 2020, nợ công không quá 65% GDP; nợ Chính phủ không quá 55% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: "Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ quản lý, điều hành NSNN hướng tới cơ cấu hợp lý, lành mạnh sẽ đạt được mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng".

Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng đứng trước không ít thách thức, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh phân tích, từ 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đã tăng gần bốn lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 50% xuống còn dưới 5%. Những thành tựu của công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể bằng lòng, thỏa mãn, nhất là khi đánh giá trong tương quan với các nước có cùng điều kiện.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao, ổn định liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người 7%/năm - tương đương mức tăng trưởng GDP 8%/năm, thì đến 2035, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 15-18.000 USD. Để đạt mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề xuất thực hiện 6 mũi chuyển đổi lớn gồm:

(1) Xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao;

(2) Thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân;

(3) Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm;

(4) Bảo đảm công bằng xã hội cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy xã hội trung lưu phát triển;

(5) Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu;

(6) Gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các thành phố và vùng lân cận. "Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là cải cách ở các vấn đề nêu trên để khai thác cơ hội, vượt qua thách thức". - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Qua phân tích các bộ chỉ số, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương cho rằng có 5 nhóm nhân tố cần phải tập trung phân tích, đánh giá và có giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong đó, nhóm số 1 là các nhân tố về thể chế kinh tế và thực thi thể chế kinh tế, bao hàm: Các quy định pháp luật và thực thi pháp luật trong kinh doanh và cạnh tranh và vấn đề cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính công. Nhóm số 2 là các vấn đề kinh tế vĩ mô, gồm: Tính bền vững môi trường kinh tế vĩ mô; thực trạng về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Võ Lâm