Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở cơ sở: Tinh gọn, hiệu quả
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:17, 27/01/2016
Đại hội XII xác định, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách... Đặc biệt là hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.
Đội ngũ cán bộ tinh gọn, chất lượng sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Ảnh: Nhật Nam |
Cách làm sáng tạo từ cơ sở
Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nhằm xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao… là mục tiêu của Đảng ta. Từ thực tiễn của địa phương, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã quán triệt tinh thần, đổi mới hệ thống chính trị phải được thực hiện đồng bộ giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên gắn với cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức, bộ máy; tinh giản biên chế… Theo đồng chí Đỗ Thị Hoàng, điểm nhấn đáng ghi nhận của Quảng Ninh là tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước thông qua việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện theo nguyên tắc "tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại chỗ". Mô hình này đã giúp 99,5% số hồ sơ ở cấp tỉnh, 99,6% số hồ sơ ở cấp huyện được giải quyết đúng hạn...
Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ TP Hà Nội được Trung ương đánh giá cao về những nỗ lực đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Thành ủy đã lựa chọn trúng và đúng các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị của thành phố. Điểm nhấn quan trọng là Thành ủy đã ban hành, triển khai Đề án số 06-ĐA/TU về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn". Sau sắp xếp, Hà Nội giảm được hơn 2.200 tổ dân phố và 6 thôn; chia tách, sáp nhập 1.008 chi bộ thôn, tổ dân phố để thành lập 503 chi bộ và 24 đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn. Quan trọng hơn, Hà Nội đã khắc phục được sự chồng chéo trong công tác chỉ đạo, giúp tinh gọn hệ thống chính trị ở cơ sở. Hay với việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội", toàn thành phố đã thành lập 700 tổ chức Đảng, kết nạp hơn 3.500 đảng viên, trong đó có 16 chủ doanh nghiệp tư nhân. Toàn thành phố đã thành lập hàng nghìn tổ chức đoàn thể nhân dân, kết nạp hàng trăm nghìn đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Kết quả thực hiện Nghị quyết 09 không những tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mà còn giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tạo bầu không khí dân chủ, củng cố niềm tin trong xã hội.
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy đã cải tiến phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm và hiệu quả; đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo tinh thần sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, coi trọng hiệu quả công việc. Nhiều cấp ủy trực thuộc Thành ủy, trong đó có Huyện ủy Phúc Thọ đã tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân, giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại từ nhiều năm.
Tiếp tục đổi mới đồng bộ
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Trung ương nhận định, công tác xây dựng Đảng cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, thể hiện trên các mặt, các nội dung, các khâu công tác. Nổi bật là việc dự báo, hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời, đồng bộ, hiệu quả; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, có nơi mất sức chiến đấu; tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hiệu quả hoạt động chưa cao...
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đại hội XII xác định, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Trung ương sẽ nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; thực hiện chủ trương quản lý biên chế thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị. Cùng với đó, Trung ương tiếp tục chỉ đạo tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức. Trung ương sẽ sớm tổng kết mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Trung ương cũng yêu cầu, các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân…
Theo đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trước những bức xúc của nhân dân, dù mức độ phức tạp đến đâu nếu thông tin kịp thời, đúng đắn để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, bức xúc sẽ được giải tỏa. Ngược lại, dù sự việc không quá phức tạp, nhưng nếu thông tin không kịp thời, chậm trễ, không khách quan, định hướng dư luận không tốt thì sự việc dễ trở lên phức tạp... "Phải tăng cường tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, đối thoại, tranh luận với những người có quan điểm trái chiều, những ý kiến khác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để tìm ra chân lý, đó là con đường ngắn nhất để rút ngắn sự khác biệt về nhận thức và gần gũi nhau hơn. Từ đó, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội" - đồng chí Mai Văn Ninh đề xuất.