Phát triển khoa học, công nghệ dựa trên sức mạnh nội sinh
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:00, 27/01/2016
Từ nhiều năm trước, KH&CN (cùng với giáo dục - đào tạo) đã được khẳng định là "quốc sách" phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không phải lúc nào chủ trương này cũng được hiện thực hóa một cách mạnh mẽ như mong muốn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, vấn đề này được quan tâm hơn khi cuộc khủng hoảng kinh tế có dấu hiệu bắt đầu, cũng như những dư địa cho tăng trưởng dần cạn kiệt.
10 năm qua, trong điều kiện tiềm lực kinh tế còn thấp, Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ so với các quốc gia có quy mô kinh tế tương đồng xét về trình độ, môi trường cho phát triển KH&CN. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2015, các đổi mới được tập trung vào 3 nhóm chế định: Đầu tư và tài chính, chính sách cán bộ, quản lý hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Trong đó, việc ấn định mức chi tối thiểu 2% ngân sách nhà nước hằng năm cho KH&CN chính là luật hóa cam kết của Nhà nước đầu tư cho KH&CN. Nhiều đổi mới khác đang tạo động lực lớn trong cộng đồng khoa học như: Mở rộng cơ chế quỹ, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, đổi mới nội dung và định mức chi để tháo gỡ các vướng mắc về tài chính cho KH&CN; trao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì để thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng rộng rãi thành tựu KH&CN… Thông thường, việc đầu tư, phát triển KH&CN thường có "độ trễ" nên hy vọng những đột phá trên sẽ bắt đầu cho "trái ngọt" trong khoảng 5-7 năm tới.
Tuy nhiên, "điểm nghẽn" lớn nhất của KH&CN nước nhà hiện nay là chưa thu hút được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp (DN) tham gia "sân chơi" này. Nói cách khác, DN chưa mặn mà với KH&CN. Như vậy, có thể hiểu "mặt trận" này còn những khúc mắc căn bản. DN và các tổ chức nghiên cứu khoa học hiện nay đều chưa có động lực để trở thành "bạn hàng" của nhau nên hoạt động của ngành KH&CN ít có tiếng nói trọng lượng trong cộng đồng DN Việt Nam.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng KH&CN lần thứ ba đang diễn ra quyết liệt: Vòng đời công nghệ được rút ngắn, biên giới quốc gia không còn là rào cản với nhân tài… thì một chiến lược phát triển KH&CN mới linh hoạt là rất cần thiết. Một khi DN dân doanh ngày càng có tiếng nói đối với nền kinh tế thì những gì không phù hợp sẽ nhanh chóng bị đào thải. Và từ thực tế đó, có thể nhận định: Hoạt động KH&CN - cộng đồng DN chỉ có thể tìm được "tiếng nói chung" khi bộ máy quản lý, điều hành lĩnh vực KH&CN có tư duy DN...
Sau 30 năm đổi mới, có thể khẳng định: Dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên khoáng sản… không còn nhiều. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, đồng nghĩa với việc chấp nhận cạnh tranh. Việt Nam cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn. Việt Nam không thể tụt lại phía sau vì kinh tế trì trệ kéo dài, để rồi rơi vào nhóm thu nhập trung bình thấp. Chúng ta phải phát huy sức mạnh nội sinh, dựa trên sự phát triển KH&CN, bởi đây là hướng đi đúng xét cả trên quy mô toàn cầu.