Gần 1/3 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm vi phạm

Sức khỏe - Ngày đăng : 20:01, 26/01/2016

(HNMO)- Chiều 26-1, Thanh tra Bộ Y tế đã có buổi làm việc cùng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Bính Thân. Trong đợt kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố thì phát hiện gần 1/3 cơ sở vi phạm.


Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy 154 mẫu thực phẩm tết để giám sát. Qua kết quả kiểm tra có 8 mẫu không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, và nhiều mẫu đang tiếp tục chờ giám định. Cũng trong đợt kiểm tra vừa qua, thanh tra Sở Y tế đã tiến hành thanh kiểm tra 1.975 cơ sở thì phát hiện có 602 cơ sở vi phạm ở các mặt như: Sản xuất thực phẩm không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn, không giấy phép, thực phẩm không xuất trình được nguồn gốc. Cơ quan chức năng đã đình chỉ 3 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm của 21 cơ sở với 1.835,7 kg thực phẩm các loại. Ngoài ra, cơ quan chức năng tiến hành xử phạt hành chính được 179 cơ sở, trong đó số cơ sở còn lại vẫn đang tiếp tục xử lý. Theo ông Nguyễn Văn Niên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết: “Mặc dù thời điểm này TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm tết nhưng thấy một sự bất an về thực phẩm tết, khi kiểm tra gần 1/3 cơ sở vi phạm”.

Kiểm tra cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh


Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày thành phố tiêu thụ 7000-8000 con gia súc, gia cầm chiếm 80.000 con. Trong thời điểm tháng tết, nhu cầu tăng lên 2,5%. Với sức tiêu thụ tăng, trong khi nhân sự không tăng nên việc sàng lọc, kiểm tra bị quá tải và dẫn đến thực phẩm bẩn lọt lưới đến tay người tiêu dùng.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ ngày 1-1 đến 20-1-2016, Chi cục đã xử lý 237 trường hợp gia súc, gia cầm không đạt chuẩn. Qua kiểm tra, 117 lô thịt lợn nhập về thành phố với 365 mẫu thì phát hiện 22 mẫu thịt lợn sử dụng chất tạo nạc. Còn về gia súc bơm nước, lãnh đạo ngành khẳng định không có chuyện thịt lợn bơm nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhưng lại được chuyển từ 2 tỉnh lân cận là Đồng Nai và Long An thành phố tiêu thụ.

Về vấn đề người dân dùng nhớt để tưới rau muống, ngành nông nghiệp chỉ xử lý phạt hành chính cao nhất chỉ 500 ngàn đồng. Với mức phạt nhẹ không đủ sức răn đe, chính vì thế tình trạng vẫn còn tiếp diễn.

Để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm tết Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian trước tết, sẽ tiếp tục tổ chức tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực thực phẩm đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đặc biệt, nhấn mạnh kiểm tra các sản phẩm được tiêu thụ nhiều như: thịt và các sản phẩm từ thịt, rau, củ, quả và các mặt hàng chế biến từ rau củ quả, bánh kẹo, mứt tết, rượu, bia nước giải khát.

Tuệ Diễm