Căng mình chống rét

Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 26/01/2016

(HNM) - Đợt rét kỷ lục chưa từng có trong 40 năm qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và làm xáo trộn cuộc sống của người dân các tỉnh, thành phố phía Bắc.


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hôm qua (25-1) mưa phùn đã chấm dứt nhưng nhiều nơi vẫn xảy ra rét đậm, rét hại, trong đó nhiều nơi có nhiệt độ nền dưới 100C. Giá buốt đã ảnh hưởng lớn đến cây trồng và sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm. Theo thống kê nhanh của Bộ NN&PTNT, tính đến 16h ngày 25-1, tại các tỉnh, thành phố phía Bắc đã có 65 con gia súc bị chết, trong đó tỉnh Lào Cai 44 con, Yên Bái 21 con; hơn 420ha hoa màu và cây công nghiệp ở tỉnh này đứng trước nguy cơ mất trắng. Tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang băng giá bao trùm mấy ngày qua gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và chưa thống kê được thiệt hại.

Người cao tuổi xếp hàng chờ khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.


Tại Hà Nội, rét buốt bao trùm cả thành phố. Trong đó, huyện miền núi Ba Vì tuyết trắng bao phủ nhiều khu vực vùng núi. Tuy nhiên, đợt rét lần này diễn ra ngắn ngày nên chưa gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, toàn huyện có 43.000 con trâu, bò; 3,2 triệu con gia cầm, 320.000 con lợn nhưng chủ yếu là chăn nuôi tập trung, số lượng trâu bò chăn thả chiếm tỷ lệ thấp, 100% vật nuôi được nuôi nhốt và có chuồng trại đạt chuẩn nên chưa có hiện tượng gia súc, gia cầm bị ốm hoặc suy kiệt sức hoặc chết rét. Ba Vì đã gieo cấy được 150ha lúa xuân nhưng vào những ngày nắng ấm nên chưa có hiện tượng lúa chết.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tập trung phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Ngành chức năng tập trung hướng dẫn nông dân gieo cấy đúng khung lịch thời vụ và kỹ thuật, che phủ nilon 100% diện tích mạ; theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các phương án đối phó với điều kiện bất thường; chuẩn bị đủ mạ, thóc giống và phân bón dự phòng.

Nông dân huyện Thạch Thất che phủ nilon chống rét cho mạ. Ảnh: Thái Hiền


Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, vụ xuân năm 2016, toàn thành phố gieo trồng 121.900ha cây trồng. Tính đến ngày 25-1, các địa phương đã gieo mạ đạt 786/6.480ha (12,1% kế hoạch); diện tích đã cấy khoảng 113ha. Các địa phương đã chủ động che phủ nilon 100% diện tích mạ xuân nên không bị chết. Trước tình hình rét đậm, rét hại như hiện nay, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân dừng gieo mạ, đối với lượng giống đã ngâm ủ đủ ngày thì tiến hành gieo bình thường nhưng phải che phủ nilon 100% đúng kích thước, tuyệt đối kín gió và thông thoáng. Đối với các ruộng mạ phải rút bớt nước, không bón đạm, tăng bón phân lân và tro bếp để giữ ấm; không cấy lúa xuân khi nhiệt độ xuống dưới 150C. Theo báo cáo của các địa phương, đợt rét này chưa gây thiệt hại cho cây trồng. Ngoài ra, thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên thông tin về diễn biến thời tiết, hướng dẫn người chăn nuôi che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm.

Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, ngày 25-1, Bộ NN&PTNT đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp trước và sau tết Bính Thân 2016. Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc khẩn trương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người. Đối với các địa phương đang có ổ dịch lở mồm long móng, cần thực hiện ngay công bố dịch theo quy định để huy động tối đa nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy nhanh công tác tiêm phòng bao vây ổ dịch. Đặc biệt, tạm thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc mẫn cảm với bệnh lở mồm long móng trên các địa bàn xã có dịch và các xã có vùng bị dịch uy hiếp để ngăn chặn phát tán mầm bệnh...

Quỳnh Dung - Đào Huyền