Khi Hà Nội dưới 10 độ C
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:21, 26/01/2016
Thương lái ở chợ Long Biên đốt lửa sưởi ấm bán hàng đêm. |
Buồn vui cùng giá lạnh
Nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C, các "bãi bia" không còn ồn ào. Những nam thanh nữ tú quây kín cái nồi sôi sùng sục, bốc hơi nghi ngút.
Không khí Tết đang sầm sập đến, chợ hoa Âu Cơ chuyên bán buôn lớn nhất miền Bắc vắng bóng người mua. Chợ họp sớm hơn trước, bắt đầu từ 12h đêm kéo dài đến 5-6h sáng mới tàn. "Người bán được một đồng bán hoa có khi mất ba đồng mua thuốc. Người ta sống nhờ hoa thì Hà Nội có băng tuyết cũng phải cắt mang ra chợ bán". Ngược lên bãi đào Tứ Liên, các vườn vắng khách, không thấy cảnh người đi chơi và chụp ảnh. Ông Trần Văn Ngọ, chủ một vườn đào vui ra mặt: "Trời chiều người trồng đào nên mới rét thế. Sau đợt này, nụ hoa sẽ bừng lên. Hoa đào Tết nay sẽ rất đẹp".
Ngược với nụ cười của ông Ngọ, bên mé đường Khâm Thiên, cụ Đỗ Thị Liêm, ở ngõ Trung Tả, ngồi thu mình bên gốc cây bàng trước cổng Trường Mầm non Mặt trời xanh (276 Khâm Thiên). Hàng của cụ chỉ vỏn vẹn mấy gói tăm tre, bông ngoáy tai và chiếc cân. Cụ móm mém chuyện: Tết này, tôi tròn 90 tuổi nhưng đều đặn 6, 7 năm nay, ngày nào cũng ra đây bán hàng. Tôi ở với cháu, nó nghèo nên trời mưa hay lạnh cũng vẫn phải đi bán hàng. Ba ngày nay lạnh quá. Chỗ chân bị gãy mấy năm trước do bị tai nạn đau nhức liên miên. Mỗi ngày kiếm được một, hai chục nghìn mà mỗi chai thuốc bóp chân mất những 70.000 đồng. Ngồi đây hít gió, đón bụi, cốt có đồng mua thuốc chứ mỗi ngày hai lưng cơm…
Bà Hải, nhà gần chợ Ngã Tư Sở, bày la liệt trên bàn đủ thứ tất, mũ len, gang tay với tấm biển bắt mắt: "Tất đại hạ giá: 5.000 đồng/đôi". Bà Hải hồ hởi: Đại hạ giá ấy là tất Tàu thôi. Chủ yếu người đi chợ, người đi xa nhỡ nhàng, họ mua dùng tạm. Thế mà mấy ngày nay cũng bán được đấy cô ạ. Mỗi người dừng lại cũng mua vài ba đôi. Đứng bán hàng từ 6h sáng, cóp nhặt từng đồng nhưng cũng thấy vui. Cô nhìn, những chị lao công kia, họ ở đây từ 4, 5h sáng, lạnh thế...
Ở gần lối xuống đường hầm Ngã Tư Sở dành cho người đi bộ, một nhóm các chị lao công đang hối hả chất đầy các xe thu gom rác. Đêm. Nhiệt độ ở Hà Nội xuống đến 6 độ C. Đó cũng là lúc khu vực chợ Long Biên càng thêm đông đúc, huyên náo. Cánh cửu vạn từ các khu nhà trọ xập xệ lần lượt lao ra chợ, bắt đầu công việc của mình. Lạnh cóng, nhiều người trang bị ủng, bao tay nhưng vẫn có người bọc vào chân một đôi tất mỏng. Đợi việc, họ ngồi co cụm lại quanh một đống lửa vừa sưởi vừa trò chuyện. Đến khi các xe tải bốc hàng về, ai nấy vội vã lao đi, tìm một khách thuê chở. Sau mỗi chuyến kéo hàng, họ tấp lại bên đống lửa, hơ tay cho khỏi cóng, rồi tất bật với công việc cũ. Ông Nguyễn Văn Định (Hà Nam) vừa xát mạnh hai tay vào nhau vừa nói: "Tôi nghe nói còn rét dài dài. Nghĩ rét mướt, nghỉ một hôm cũng không chết đói được, nhưng tiếc. 300 - 400 nghìn một ngày, Tết về cũng sắm sửa cho con cái ở nhà được vài món chứ chẳng chơi".
Thời tiết khắc nghiệt tác động trực tiếp tới đời sống thường nhật của bao gia đình. Chị Nguyễn Thanh Tú (Sacombank Nguyễn Chí Thanh) than thở: "Xót lắm nhưng vẫn phải cho bé tới trường vì cuối năm, ngân hàng nhiều việc. Cũng may, dù trẻ nghỉ học, song nhà trường vẫn bố trí phòng học cũng như lực lượng quản lý để trẻ tới lớp an toàn, ấm áp. Lo nhất vẫn là việc đưa trẻ tới lớp sao cho bảo đảm, không bị nhiễm lạnh".
Những công nhân vệ sinh môi trường làm việc trong thời tiết giá lạnh. |
Rét đậm, rét hại không chỉ gây nên những xáo trộn trong đời sống thường ngày mà còn là tác nhân khiến số người già, trẻ nhỏ nhập viện tăng cao, đồng thời kéo theo vô vàn những khó nhọc cho người đi chăm bệnh nhân. Chăm mẹ già nằm Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, suốt hai tuần qua, ông Trần Văn Hùng (58 tuổi, thị trấn Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: "Phải nói là cơ cực. Phòng bệnh lúc nào cũng ngột ngạt, ồn ào trong khi bên ngoài la liệt người chăm bệnh nhân đứng, ngồi chen chúc. Đêm xuống, người ta tiện đâu nằm đó. Người có chăn thì may. Người không thì lấy áo khoác, áo mưa quấn tạm. Mấy hôm trước, có ông đi nuôi người bệnh, ngủ ngoài hành lang, phải cấp cứu vì thổ huyết giữa đêm…". Theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới, tại Bệnh viện Nhi trung ương, tình hình khám, chữa bệnh cũng diễn ra hết sức khẩn trương do số bệnh nhi nhập viện liên tục tăng. Để bảo đảm an ninh cũng như điều kiện thuận lợi cho y, bác sĩ khám chữa bệnh, Bệnh viện có chủ trương hạn chế số lượng người chăm nuôi thường trực vào khung giờ quy định (1 bệnh nhi, 1 người). Tuy nhiên, chủ trương này cũng gây không ít khó khăn cho gia đình bệnh nhi.
Tuyết rơi giữa Hà Nội
Các khu vực xung quanh núi Ba Vì (huyện Ba Vì) trong 2 ngày qua nhiệt độ xuống thấp, thậm chí trong ngày 24-1, tại Vườn quốc gia Ba Vì đã có tuyết rơi. Đây là lần đầu tiên Hà Nội có băng tuyết xuất hiện. Trước cái lạnh thấu tim gan, phóng viên Hànộimới ghi nhận chính quyền và nhân dân ở các xã Ba Vì, Minh Quang, Khánh Thượng đã có nhiều biện pháp phòng tránh rét đậm, rét hại để giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra. Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) cho biết, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các thôn, cán bộ thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật và Trạm y tế xã tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp phòng tránh rét đậm, rét hại cho người và vật nuôi. Ngành Y tế đã cử cán bộ xuống tận thôn, bản tuyên truyền, phát tờ rơi thông tin các biện pháp giữ ấm, đặc biệt quan tâm tới sức khỏe người già và trẻ em.
Các trường mầm non, tiểu học đã cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Tại Trường Mầm non Khánh Thượng B, trong ngày 25-1 học sinh cũng được nghỉ học, tuy nhiên toàn bộ 35 cán bộ, gồm Ban giám hiệu và các cô giáo vẫn tổ chức trực tại trường. Cô giáo Đinh Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Thượng B chia sẻ: "Trong đợt rét đậm, rét hại này, các phụ huynh của hơn 200 cháu học sinh ở các thôn Gò Đình Muôn, Bắt Còn Chèm, Đồng Sống, Hương Canh, Sui Quán, Ninh và Mít đã được thông báo về kế hoạch nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, đồng thời chúng tôi hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rét cho các cháu khi nghỉ ở nhà".
Khánh Thượng là xã người Mường sinh sống ngay dưới chân núi Ba Vì, một số thôn như Hương Canh, Mít, Bắt Còn Chèm thuộc vùng sâu, vùng xa nên ngoài việc truyền tải thông tin phòng chống rét đậm, rét hại trên phương tiện đài truyền thanh, UBND xã còn cử cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật và y tế đến các hộ gia đình trực tiếp huớng dẫn, giúp đỡ bà con. Theo Chủ tịch xã Nguyễn Văn Trường, trong những ngày qua tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn xã vẫn bảo đảm ổn định. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, trong những ngày tới UBND xã tiếp tục quán triệt tới các thôn, các cán bộ phụ trách ngành ứng trực thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, trong đó đặc biệt chú ý quan tâm đến việc phòng tránh rét cho nguời già và trẻ nhỏ.
Tổ công tác Y141 làm nhiệm vụ giữa đêm đông giá rét. |
Giữ bình yên mỗi con đường, góc phố
Trong khi bóng tối bao trùm khắp không gian, người người đã về tổ ấm sau ngày dài mệt mỏi thì bóng dáng những chiến sĩ công an lại âm thầm ra đường làm nhiệm vụ. 0h ngày 25-1, cái lạnh trùm lên mặt đường loang loáng nhưng, ở mỗi ngã tư đường phố trọng yếu của Thủ đô, các tổ công tác 141 vẫn âm thầm làm nhiệm vụ. Thượng úy Nguyễn Ngọc Thuật, Đội phó Đội tham mưu, Phòng CSGT cho biết, bình thường khi thời tiết có mưa, Ban chỉ đạo 141 vẫn linh động cho phép các tổ công tác tạm nghỉ tại chỗ hoặc sẵn sàng trực chiến ở đơn vị. Tuy nhiên, để bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng lần thứ 12, các tổ công tác 141 vẫn sẵn sàng xuống đường làm nhiệm vụ dù mưa phùn, giá rét.
Ca trực từ 22h ngày 24-1 đến 2h sáng 25-1, tại khu vực Cửa Nam của tổ công tác Y6/141 do Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1 chỉ huy vô cùng đặc biệt. Đường sá vắng hoe nhưng quân số của tổ không thiếu một ai.
0h ngày 25-1, tại chốt giao thông Ô Chợ Dừa - Nguyễn Lương Bằng, tổ công tác Y9/141 do Đại úy Phùng Quang Hưng, Đội phó Đội CSGT số 14 chỉ huy được lệnh chuyển chốt sang ngã năm Lê Đại Hành - Bà Triệu gần khu vực VinCom làm nhiệm vụ đến 2h sáng. Vào thời điểm này, các con phố vắng hoe hoắt, vị trí cắm chốt nằm giữa giao lộ nên gió bấc thông thống thổi qua. Mặc giá buốt, mặc sương đêm, các chiến sĩ vẫn âm thầm, bền bỉ với nhiệm vụ của mình, giữ bình yên cho mỗi con đường góc phố.