Vào "lò" tân trang bình chữa cháy cũ

Xã hội - Ngày đăng : 13:42, 25/01/2016

Nhiều cửa hàng ở TP.HCM thu gom các loại bình chữa cháy cũ về tân trang, rồi bán cho người cần mua để trang bị cho ôtô 4 - 9 chỗ. Các chuyên gia nói loại bình này dễ tự nổ.

Nhân viên cơ sở chữa cháy M.T trên đường 3 Tháng 2, Q.11, TP.HCM tân trang bình chữa cháy cũ cho khách hàng - Ảnh: Đức Phú


Cơ sở cung cấp thiết bị phòng cháy chữa cháy N.A trên đường 3 Tháng 2, Q.11 cho biết ngoài bán các bình chữa cháy mới, nơi này còn thu gom các bình đã qua sử dụng về cho thợ sửa chữa để bán lại cho khách có nhu cầu.

Bà chủ tiệm nói các bình đã hết hạn sử dụng sẽ được thu gom với giá 50.000-100.000 đồng.

Gom bình cũ giá cao

Bên trong cơ sở N.A, một nam nhân viên đang hì hục tháo bỏ các bình chữa cháy đã phai màu sơn, gỉ sét để chuẩn bị tân trang thành bình mới.

Chủ cơ sở khẳng định mặt hàng bình chữa cháy đã được cơ quan chức năng kiểm định theo từng lô hàng chứ không kiểm tra từng sản phẩm. Khi nhập hàng về, cơ sở chỉ cần dán tem bảo hành của công ty là xong.

“Chỉ cần dán tem công ty vào là xài vô tư, hư tới sửa miễn phí, không phải lo cháy nổ” - bà chủ cơ sở quảng cáo. Tuy nhiên sau đó cũng bà này thừa nhận có thể một số bình nhỏ xài quá hạn sẽ dễ dẫn đến xì, nổ bất ngờ.

Còn tại cơ sở bán bình chữa cháy T.T (quốc lộ 22, P.Trung Mỹ Tây, Q.12), chủ cửa hàng giới thiệu hàng loạt bình chữa cháy vừa mới được cửa hàng tân trang xong. Các loại bình chữa cháy tân trang được trưng bày chung, dán nhãn như những loại bình chữa cháy mới.

Đối với loại bình bột được tân trang từ những bình bạc màu, bong tróc sơn (loại 4kg), cửa hàng T.T bán giá 180.000 đồng/bình, bình khí CO2 300.000 đồng/bình (bình mới giá 450.000 đồng/bình).

“Các loại bình chữa cháy cũ cơ sở không dán tem kiểm định, chỉ dán tem bảo hành của cơ sở. Khách muốn có tem kiểm định để yên tâm thì tuần sau mới có nhưng chỉ dán cho loại bình mới, không dán lên bình cũ” - chủ cơ sở nói.

Chỉ vào một loạt bình chữa cháy cũ bạc màu, gỉ sét, bộ phận vòi nhựa đã nứt đặt ở một góc trong tiệm, chủ cơ sở nói đây là những bình chữa cháy cũ, cơ sở sẽ sơn phết, làm mới lại rồi nạp khí hoặc thay lại bột mới để bán cho khách.

Trong khi đó tại cửa hàng thiết bị phòng cháy chữa cháy M.T trên đường 3 Tháng 2, Q.11, chủ cửa hàng cũng cho biết nơi đây tân trang hàng loạt bình loại lớn, nhỏ. Tại cổng ra vào, một nhân viên cơ sở dùng dao kỳ cọ những bình chữa cháy tróc vảy ra để sơn lên một màu đỏ y như bình mới.

Sau khi sơn phết, cơ sở này dán lên các nhãn mác, dán tem bảo hành và xuất ra thị trường. Chủ cơ sở cho biết bình cũ khi tân trang có giá xấp xỉ bình mới do số lượng bình có hạn, 
khá hút hàng.

Nhân viên một cơ sở chữa cháy trên đường 3 Tháng 2, Q.11, TP.HCM làm mới bình chữa cháy cũ - Ảnh: Đức Phú


Khả năng tự nổ cao

Gần đây, do liên tục có tình trạng một số bình chữa cháy tự nổ, xì bọt, chủ các cửa hàng thi nhau thanh lý những lô hàng bình cũ được tân trang để chuyển sang nhập các mặt hàng mới.

Chủ cửa hàng B.L (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh) cho biết cửa hàng chỉ nhận nạp lại với loại bình chữa cháy sử dụng bột hay khí CO2, còn bình chữa cháy mini dùng cho xe hơi là loại chỉ sử dụng một lần nên cửa hàng không nhận nạp lại vì rất nguy hiểm, khả năng tự nổ rất cao.

Chủ cửa hàng này cũng cho biết nếu khách yêu cầu tem giám định của Cục Cảnh sát PCCC hay tem giám định của cơ quan nhà nước thì phải đến Cảnh sát PCCC TP hoặc Công an TP.HCM mua. Cửa hàng chỉ dán tem có đóng dấu của cửa hàng.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết quy định về trang thiết bị PCCC trên phương tiện giao thông cơ giới đều phải được cơ quan chức năng kiểm định, dán tem kiểm định về mặt chất lượng, mẫu mã, chủng loại... trước khi đưa vào sử dụng.

Những loại bình chữa cháy trôi nổi được sang nạp lại bột, khí hoặc tân trang không đảm bảo về mặt chất lượng, an toàn.

Đại tá Quan cho biết một bình chữa cháy đạt chuẩn thì tem kiểm định phải được dán sau khi bình đã được kiểm định. Nghĩa là những bình chữa cháy này đã được kiểm định và đảm bảo về mặt chất lượng, an toàn... sau đó tem mới được dán lên bình.

Loại tem này phải do Bộ Công an cấp cũng như quản lý. Còn loại tem bảo hành, bảo trì... do các nơi tự dán đều không phải là tem kiểm định để đảm bảo chất lượng, an toàn của bình chữa cháy.

Theo ông Quan, bình chữa cháy phải được kiểm định, dán tem kiểm định đầy đủ. Vì vậy khi người dân cần mua bình chữa cháy nên đến những cơ sở có giấy phép và có chức năng sang nạp bình chữa cháy. Không nên mua bình chữa cháy trôi nổi vì sẽ không kiểm soát được chất lượng.

* Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM):

Phạm luật

Theo quy định tại khoản 5 điều 38 nghị định số 79/2014: “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy sản xuất mới trong nước hoặc nhập khẩu phải được kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định của Bộ Công an”.

Như vậy, phương tiện PCCC phải được dán tem kiểm định theo mẫu của Bộ Công an. Việc đơn vị sản xuất hoặc nhà phân phối tự ý dán tem cơ sở mà không phải tem kiểm định của Bộ Công an là vi phạm pháp luật.

Bởi lẽ để được dán tem kiểm định của Bộ Công an phải theo quy trình kiểm định về chủng loại, mẫu mã phương tiện PCCC và kiểm định thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng phương tiện.

Cũng như phải đảm bảo theo phương thức kiểm định, đánh giá kết quả... rồi trên cơ sở này mới được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và tem kiểm định.



Nhiều bình chữa cháy phát nổ

Thời gian qua, người dân liên tục phản ảnh bình chữa cháy tự phát nổ trên ôtô. Chiều 20-1, bình chữa cháy mini để gần thắng tay trong ôtô đậu ở tòa nhà FPT Tân Thuận (Q.7) vỡ tung từ cổ trở lên, mảnh văng tung tóe trên xe.

Đêm 17-1, anh Nguyễn Hoàng Hải (Q.Ba Đình, Hà Nội) đang lái xe BMW thì bình cứu hỏa mini trong cốp bị nổ, bọt trắng bắn tung tóe. Trước đó chiều 16-1, anh Ngô Hiếu Thuận (Tiền Giang) phản ảnh bình chữa cháy trong ôtô bốn chỗ cũng phát nổ.

Theo đại tá Huỳnh Ngọc Quan, về nguyên tắc, những bình chữa cháy có áp lực thì nhà sản xuất sẽ phải tính toán về khả năng chịu áp lực, tác động của nhiệt độ lên vỏ bình. Nhà sản xuất sẽ giải quyết vấn đề chất lượng của vỏ bình sao cho chịu được các tác động lên nó.

Ví dụ như bình chữa cháy sử dụng khí CO2, một loại bình áp lực, nhà sản xuất phải tính toán đến khả năng chịu lực, tác động của nhiệt độ lên vỏ bình, khi áp suất trong bình vượt quá giới hạn cho phép thì ở phần cổ bình có bộ van xả an toàn sẽ xả khí ra bớt để giảm áp lực lên vỏ bình.

Các chuyên gia về lĩnh vực này nhận định nguy cơ cháy nổ từ các bình chữa cháy không được kiểm định đầy đủ và tân trang, sử dụng lại các vỏ bình là khá cao.

Theo Tuổi trẻ