Hướng tới chất lượng, hiệu quả và công bằng

Xã hội - Ngày đăng : 07:19, 25/01/2016

(HNM) - Công cuộc đổi mới toàn diện trong 30 năm qua ở Việt Nam đã tạo ra những thành tựu to lớn trên nhiều phương diện, trong đó có y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến một bước dài, với chất lượng phục vụ cao hơn, hiệu quả khám, chữa bệnh tốt hơn.


Tín hiệu tích cực...

Đánh giá kết quả 30 năm đổi mới hệ thống y tế nước ta, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, các nghiên cứu khoa học về y học đã được đẩy mạnh ở tất cả các địa phương, đặc biệt ở các viện, trường đại học và bệnh viện (BV) đầu ngành. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng và đưa vào thực tế chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Nghiên cứu khoa học trong y học cũng như việc áp dụng thành công các kỹ thuật mới của y học không chỉ diễn ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà còn được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ đó, y học nước nhà đã có những thành tựu hết sức to lớn, làm thay đổi khả năng phát hiện bệnh tật và điều trị bệnh tật cho con người.

Chăm sóc và điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc


Thành tựu y học nổi bật nhất trong suốt quá trình đổi mới của y tế nước nhà, phải kể đến kỹ thuật ghép tạng. PGS - TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức cho biết, ghép tạng là kỹ thuật công nghệ cao, chỉ thực hiện được ở những nước có nền y học tiên tiến. Ngành Ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới đến gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các thầy thuốc, nhà khoa học, Việt Nam đã dần rút ngắn được thời gian tụt hậu, từng bước vươn đến đỉnh cao y học. Hiện các bác sĩ nước ta đã hoàn toàn làm chủ tất cả kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất, tiệm cận với trình độ ghép tạng thế giới. Cả nước cũng đã có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp với những "cánh chim đầu đàn" như: BV Hữu nghị Việt - Đức, BV Chợ Rẫy, BV 103...

Có lẽ ca ghép tạng "xuyên Việt" được các y, bác sĩ BV Hữu nghị Việt - Đức thực hiện thành công và cũng là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Y tế trong năm 2015 một lần nữa khẳng định trình độ chuyên môn và "tay nghề" của các thầy thuốc nước nhà. Lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam ghi nhận ca ghép tạng thành công, mà tim và gan của người hiến được vận chuyển hơn 1.700km từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng máy bay với sự tận tâm cũng như nỗ lực hết mình của các y, bác sĩ.

Xây dựng hình ảnh đẹp của người thầy thuốc

Không chỉ phát triển kỹ thuật cao ở BV tuyến trung ương, ngành Y tế còn chuyển giao các kỹ thuật đó xuống tuyến cơ sở thông qua việc triển khai đề án BV vệ tinh. Đến nay, ngành Y tế đã triển khai được 48 BV vệ tinh thuộc 5 chuyên khoa, gồm: tim mạch, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình và ung bướu ở 38 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phấn đấu trong năm 2016, có 100% các tỉnh, thành phố phải thực hiện BV vệ tinh.

Bà Phạm Thị Kim Yến (52 tuổi ở xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) từng bị suy tim và phải phẫu thuật năm 2001 tại BV Việt - Đức. Sau một thời gian, bà bị huyết áp cao trên nền bệnh cũ, nên từ năm 2012 đến nay bà đã 5 lần bị đột quỵ. May mắn, trong thời gian này, BV Đa khoa Phố Nối (tỉnh Hưng Yên), được BV Bạch Mai chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, đã nhiều lần cấp cứu kịp thời cho bà Yến, không phải vượt tuyến lên BV trung ương. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoằng, Phó Giám đốc BV Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) chia sẻ, dù chỉ là BV hạng 2 nhưng sau khi trở thành BV vệ tinh của BV Bạch Mai, chất lượng khám chữa bệnh tại đây đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên của BV đã giảm 34,6%. "Thực tế có nhiều trường hợp cấp cứu, nếu di chuyển xa, bệnh nhân có thể tử vong trên đường, nếu được cấp cứu điều trị ở tuyến dưới, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống. Hơn nữa, khi tuyến dưới thực hiện được các kỹ thuật cao thì sẽ giảm tải cho BV tuyến trên, đồng thời đỡ gánh nặng ăn ở, đi lại cho bệnh nhân..." - bác sĩ Nguyễn Hữu Hoằng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, những kết quả mà ngành Y tế đạt được trong thời gian qua là rất quan trọng, tạo tiền đề cho việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong những năm tiếp theo. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Y tế sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm quá tải ở các BV trung ương và thành phố lớn, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, ngành Y tế sẽ triển khai ổn định mô hình, hoàn thiện hệ thống y tế theo quy hoạch đến năm 2025, định hướng tới 2035 theo hướng thu gọn đầu mối để nâng cao hiệu quả hoạt động, đầu tư; đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, giảm sự chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền; xây dựng hình ảnh đẹp về người thầy thuốc.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trên cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, các chỉ số sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 vào năm 2010 lên 73,3 vào năm 2015; tỷ số tử vong mẹ giảm từ 68/100.000 trẻ sinh sống trong năm 2010, xuống còn 58,3/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2015; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 23,8‰ trong năm 2010, xuống còn 22,12‰ năm 2015; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 17,5% năm 2010, xuống 14,1% năm 2015. Số giường bệnh trên một vạn dân đã tăng từ 21,5 vào năm 2011 lên 24 giường vào năm 2015.

Thu Trang