Tập trung xây dựng con người và môi trường văn hóa

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 25/01/2016

(HNM) - Đại hội lần thứ XII của Đảng đang diễn ra tại Hà Nội. Trong phiên khai mạc, ngày 21-1-2016, báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày, khẳng định rằng thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.



Trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII, được đề cập tại báo cáo của BCH Trung ương khóa XI, có nhiệm vụ "phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh".

Rõ ràng là từ những nhận định xác đáng nói trên, có thể nhận ra vai trò quan trọng của nhiệm vụ xây dựng con người trong việc thực hiện đường lối chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Nói vậy là bởi con người là vốn quý nhất, là mục tiêu và động lực của cách mạng, là yếu tố quyết định đối với sự thành bại của cách mạng. Thực tiễn 30 năm đổi mới cho thấy Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho sự nghiệp "trồng người", cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo đúng đắn đó bằng nghị quyết, chỉ thị, chính sách sát thực tế nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo; chăm lo sức khỏe cho nhân dân; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để hướng tới mục tiêu tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh... Sự chăm lo đó đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là về khả năng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, chăm sóc sức khỏe, quyền được học tập của nhân dân.

Tuy vậy, trong bối cảnh Việt Nam bước vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thực tế cho thấy công tác xây dựng con người đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Lối sống thực dụng, coi nhẹ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm công dân đang len lỏi trong một bộ phận thanh - thiếu niên, cán bộ, công chức, đảng viên, tạo ra xu hướng ứng xử mang tính vụ lợi, những tấm gương xấu cho cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ. Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ ra: "Hiện nay, thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, trong đó có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…".

Trong giai đoạn mới, song song với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, điều quan trọng là thúc đẩy sự nghiệp "trồng người" mà đối tượng đầu tiên cần tập trung hướng tới là lớp trẻ, mục tiêu không có gì khác hơn là xây dựng lớp người mới "vừa hồng vừa chuyên" thông qua giải pháp tăng cường bồi dưỡng tri thức, giáo dục lý tưởng cách mạng, nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa. Muốn thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này, cần phải kết hợp được sức mạnh dẫn dắt của gia đình, nhà trường và xã hội. Làm sao để mỗi người lớn là một tấm gương sáng cho trẻ noi theo, những hành vi tiêu cực liên quan đến lối sống, nếp sống và trách nhiệm tuân thủ kỷ cương phép nước không còn bày ra trước mắt trẻ.

Dục Tú