Thảm họa nhân đạo: Lời khẩn cầu từ Syria

Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 25/01/2016

(HNM) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Saudi Arabia để thảo luận với giới chức quốc gia vùng Vịnh về tiến trình hòa bình cho Syria trong bối cảnh cuộc nội chiến ở quốc gia này đã bước sang năm thứ sáu.



Trước thực trạng về một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở Syria, lãnh đạo các cơ quan của Liên hợp quốc cùng hơn 120 tổ chức nhân đạo thế giới đã phát một đoạn video với thông điệp "Tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa? Hãy chấm dứt sự khổ đau" nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay góp phần sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria.

Người dân ở Madaya, Syria phải nhặt thức ăn trong bãi rác để chống đói.


Cuộc nội chiến bắt đầu ở Syria năm 2011 đã trở thành cuộc khủng hoảng quốc tế không kém bất kỳ một cuộc chiến tranh quy ước nào về sự hủy diệt và thương vong. Con số người chết trong các vụ xung đột đẫm máu không ngừng tăng. Phụ nữ, thanh niên và trẻ em thường xuyên phải đối mặt với bạo lực, bị tước đi các quyền cơ bản của con người, bị bắt cầm súng ngoài ý muốn và không có tương lai.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo cho biết có khoảng 14 triệu trẻ em bị ảnh hưởng do cuộc xung đột leo thang ở Syria và Iraq, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong khu vực này thời gian gần đây. Cuộc xung đột ở Syria đang "cướp đi cả một thế hệ trẻ" ở nước này. Người dân Syria bị mắc kẹt giữa cuộc chiến tàn khốc và buộc phải rời bỏ nhà cửa, quê hương tìm đến những nơi an toàn hơn. Mỗi ngày, dòng người tị nạn cứ tiếp tục kéo về các nước lân cận như Lebanon, Jordan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Người tị nạn bất chấp tính mạng vượt biển để đến được các nước Châu Âu nhằm tìm kiếm niềm hy vọng cho cuộc sống. Hơn 4 triệu người đã rời Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, hầu hết là trẻ em và phụ nữ. Tiểu trấn Madaya ở vùng miền núi phía Nam Syria đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới những ngày qua do bị quân Chính phủ bao vây làm cắt nguồn lương thực. Khoảng 42.000 người dân bị thiếu ăn, nhiều người thậm chí đã bị chết vì đói, rét và bệnh tật, nhiều trẻ em phải ăn cỏ để sống qua ngày.

Trong cuộc nội chiến ở Syria, vây hãm không phải là chiến thuật xa lạ đối với các bên tham chiến và nạn đói trở thành một trong những vũ khí lợi hại nhất. Bissan Fakih, một nhà hoạt động thuộc Chiến dịch Syria, nhận định: Chiến thuật vây hãm này sẽ được tiếp tục sử dụng bởi nó đang tỏ ra hiệu quả. Tuy nhiên, người dân Madaya thì cho rằng họ đang bị đối xử như những con tốt trên bàn cờ quyền lực phức tạp. Việc các bên tham chiến ở Syria sử dụng nạn đói làm vũ khí đi ngược với luật pháp quốc tế, thế nhưng chưa lực lượng nào, kể cả các cường quốc đang tham gia vào bàn cờ Syria có thể thay đổi tình hình. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo trên thế giới kêu gọi không chỉ các Chính phủ mà mọi công dân trên toàn cầu cùng lên tiếng thúc giục các bên liên quan triển khai 4 biện pháp khẩn cấp gồm: Tạo điều kiện để hàng cứu trợ tới mọi người dân trên toàn lãnh thổ Syria; ngừng bắn vô điều kiện, trên tinh thần nhân đạo, có sự giám sát; chấm dứt mọi cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự và bảo đảm quyền tự do đi lại của mọi người dân.

Tuy nhiên, cuộc chiến tại Syria chưa thể kết thúc khi lực lượng Chính phủ và phe nổi dậy phân thắng bại trong khi vẫn phải chiến đấu với đội quân của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hơn nữa là sự mâu thuẫn về quan điểm giữa Mỹ và Nga trong việc giữ vững chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad dù đã giảm bớt nhưng về cơ bản chưa có sự thống nhất. Song, hàng triệu người dân Syria đang chết mòn vì bạo lực và kiệt sức trong chờ đợi. Thảm cảnh của người Syria đã gửi đi lời kêu cầu khẩn thiết về việc nhanh chóng đạt được một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Đó cũng là mục tiêu mà cả cộng đồng quốc tế đang trông đợi từ cuộc họp đầu tiên giữa Chính phủ Syria và các bên đối lập, dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay 25-1.

Thùy Dương