Nghe đổi mới vọng vào trang viết!

Văn hóa - Ngày đăng : 06:28, 24/01/2016

(HNM) - Văn nghệ nói chung và văn học nói riêng luôn là sự tiếp nối dòng mạch văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là tấm gương phản chiếu bầu không khí của đất nước.

Hơn 30 năm đổi mới, biết bao là sự kiện; cúi xuống bên trang sách, lắng nghe từ thẳm sâu sau câu chữ thấy vọng từ đây biết bao là tình cảm, nỗi niềm về con người và về đất nước. Một bầu không khí cởi mở mang đến cho văn học sự đồng vọng và nguồn lực để cống hiến…

Nhịp đời qua trang viết

Có thể nói, chưa khi nào đời sống văn học thể hiện sự phong phú, sôi động như hôm nay. Đặc biệt trong vài năm qua, các sự kiện tọa đàm tác phẩm mới diễn ra liên tục, ngày một đa dạng hơn, hình thành những địa chỉ sinh hoạt văn hóa, văn học thường xuyên như những "sa lông văn học" từng xuất hiện ở nhiều nước Châu Âu. Những trao đổi cũng đi vào thực chất, bớt ồn ào và không chỉ có khen mà còn có phê bình chân tình, thẳng thắn.

Không khí đổi mới mang đến cho văn học nước nhà một diện mạo mới. Ảnh: Như Ý


Bên cạnh các tác phẩm mới, trên giá sách của các hiệu sách, thấy rõ sự "sống" lại của những tác phẩm thuộc hàng di sản văn học Việt Nam như bộ "Việt Nam Danh tác" hay "Cảo thơm trước đèn"... Đặc biệt, trên giá sách điểm danh thấy một lực lượng người viết song hành nhiều thế hệ, từ các nhà văn đi xuyên hai thế kỷ như Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng đến các cây bút đi sau đủ các lứa tuổi kéo dài đến tận lớp tác giả 9X và hầu như không có sự đứt quãng nào, như: Chu Lai, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Trần Chiến, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Kim Hòa… Không chỉ ở trong nước mà nhiều năm qua, văn học Việt Nam cũng có sự đóng góp không nhỏ của một bộ phận các nhà văn, dịch giả Việt đang sống, làm việc ở nước ngoài.

Đường biên đề tài của văn học được rộng mở, chạm đến hầu như tất cả các vấn đề nóng của đời sống, xã hội, những đổi mới cũng như thách thức trước hội nhập và phát triển. Không chỉ có các lão nhà văn mới viết truyện lịch sử, mà thế hệ 7X, 8X cũng có những góc tiếp cận về chiến tranh cách mạng, lịch sử dân tộc với niềm tự hào, ý thức công dân và trách nhiệm người cầm bút. Câu chuyện mới đây nhất gợi đến điều này là chuyện một tác giả trẻ người Việt sống ở Australia về nước ra mắt tiểu thuyết lịch sử đã rơi nước mắt khi nói về mong mỏi "Người Việt phải được khơi gợi để tìm hiểu sử Việt, nhất là khi họ phải xa quê, sống ở xứ người". Cho dù có thể còn có trao đổi và tranh luận học thuật nhưng không thể phủ nhận một xu thế cởi mở và tìm về nguồn cội của nhiều cây bút sinh ra trong hòa bình.

Một góc nhìn khác về sự ảnh hưởng của làn gió đổi mới đất nước thổi vào văn học, đó chính là sự trỗi dậy của nền điện ảnh Việt qua chính những kịch bản văn học trong nước được chuyển thể. Phim Việt đang dần khiến khán giả trong nước bất ngờ cũng bắt đầu từ chính tâm hồn, tình cảm được chuyển tải trong những trang viết của nhà văn Việt Nam. Đó có thể là gì khác ngoài sự kết tinh của chiều dài văn hóa dân tộc và sự đổi mới của đất nước? Nói như GS Phong Lê thì đó là "một thời kỳ văn học mới - mang chính tên Đổi mới với một cảm hứng mới về hiện thực, một quan niệm mới về nhân sinh, một tư duy phức hợp và đa diện về nghệ thuật".

Hành trình bồi đắp văn hóa, xây dựng con người

Không phải là "gia vị", văn học nghệ thuật phải là một phần chính yếu của cuộc sống con người, là máu thịt của văn hóa. Văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung sở dĩ ít gây sự "nóng bỏng" ồn ào bởi nó xây dựng, bồi đắp cái tốt và ngăn chặn cái xấu một cách âm thầm, bền bỉ. Nhiều khi cái ác ập tới, gõ cửa từng căn nhà, đe dọa từng cá thể, người ta mới lạnh người đặt câu hỏi, vì sao con người có thể vô cảm đến vậy? Và văn học đi đâu?

Không! Văn học nghệ thuật vẫn luôn đồng hành cùng cuộc sống, mỗi khi được bồi đắp và tiếp nhận nó biến thành những giá trị văn hóa như lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, tính cần cù, nhân ái… và nhiều phẩm chất quan trọng khác. Thực sự văn nghệ đã trở thành sức mạnh "mềm" đồng hành và xuất hiện trong những thời khắc lâm nguy hoặc quan trọng của Tổ quốc, trong những thời khắc cần hiệu triệu lòng dân. Không cần phải bàn cãi khi lịch sử nước nhà đã chứng minh rõ ràng điều đó với hàng loạt tác phẩm suốt chiều dài dựng nước, giữ nước. Bước sang thế kỷ XXI, năm 2014 trước sự kiện giàn khoan Hải Dương - 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, một lần nữa văn nghệ sĩ, trong đó đi đầu là nhà văn đã tự thân cất lên tiếng nói đoàn kết muôn người như một để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cũng chính tiếng nói ấy đã góp phần lay động, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam. Hiện tại, văn học Việt cũng đang nỗ lực tiến ra thế giới không chỉ bởi nhu cầu giao lưu hết sức tự nhiên, mà còn bởi khát vọng mang các giá trị văn hóa của dân tộc đến với toàn cầu. Từ đây góp phần mở đường cho sự phát triển và tạo dựng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Một xu hướng tất yếu trong bầu không khí đổi mới của đất nước. Bầu không khí tích cực đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của văn học nghệ thuật, góp phần phát triển văn hóa được thể hiện qua nhiều Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực này. Trong đó phải kể đến Nghị quyết 23 ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới" và Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Quả thực, đất nước còn lời ru, còn văn học nghệ thuật cũng có nghĩa là còn vững bền thành lũy văn hóa, vững bền thế trận lòng dân!

Thi Thi