Bóng đá Việt Nam tại Giải U23 Châu Á 2016: Được nhiều hơn mất

Xã hội - Ngày đăng : 05:49, 24/01/2016

(HNM) - Chuyện U23 Việt Nam thua cả 3 trận ở vòng đấu bảng của vòng chung kết Giải U23 Châu Á 2016 được giới chuyên môn, người hâm mộ đón nhận với sự bình thản. Đơn giản, mọi chuyện đều trong dự đoán. Vấn đề là bóng đá nước nhà được, mất gì sau chuyến thi đấu trên.

Trước giải, dù LĐBĐ Việt Nam không giao chỉ tiêu cụ thể nhưng HLV T.Miura đã tự đặt ra mục tiêu vào tứ kết cho đội U23 Việt Nam. Thật khó để thực hiện được tham vọng đó khi các đối thủ trong bảng đấu đều trên tài U23 Việt Nam về mọi mặt. Bản thân HLV người Nhật Bản cũng chia sẻ rằng quá khó để các học trò vào tứ kết ở giải năm nay nhưng ông vẫn muốn các học trò phải nỗ lực ở mức cao nhất. Điều này khác hẳn mục tiêu học hỏi, cọ xát như nhiều nhà cầm quân Việt Nam mỗi khi đưa cầu thủ tham dự các giải đấu quá tầm. Còn ông T.Miura lại tiếp cận ở góc độ khác. Kể cả khi U23 Việt Nam thất bại cả 3 trận, không hoàn thành mục tiêu đề ra thì cái mất cũng chỉ là về kết quả trận đấu. Còn cái được chính là việc nhận ra đâu là lối chơi phù hợp nhất với các cầu thủ Việt Nam.

U23 Việt Nam (đỏ) trong trận đấu với U23 Australia.


Lâu nay, ông T.Miura vẫn mang tiếng là bảo thủ khi luôn áp đặt lối chơi mạnh mẽ, giàu thể lực, không ngại va chạm cho các đội tuyển Việt Nam. Chính vì thế các đội bóng dưới thời T.Miura luôn có nhiều "công nhân đá bóng", không nhiều bài vở. Trong lối chơi ấy, những đường phất bóng dài lên tuyến trên đã thành "đặc sản" dù không phù hợp với nhiều tiền đạo Việt Nam. Trước giải đấu năm nay, việc có tới 8 cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai trong đội hình U23 Việt Nam đã khiến người hâm mộ hy vọng lối chơi của đội sẽ mềm mại hơn thay vì khô cứng, ít biến hóa. Tuy nhiên, hy vọng đã không thành sự thật, ít nhất trong hai trận đấu đầu tiên gặp U23 Jordan và U23 Australia. Khi ấy, lối chơi của U23 Việt Nam thiếu đường nét, ý tưởng, nhất là trong 70 phút đầu. Chỉ khi các cầu thủ dự bị từ lò Hoàng Anh Gia Lai như Hồng Duy (ở trận đấu với U23 Jordan) và Tuấn Anh (trận đấu với U23 Australia) vào sân thì lối chơi của U23 Việt Nam mới có sự uyển chuyển, giàu tính cống hiến hơn.

Chính HLV T.Miura cũng nhận thấy điều này nên mới có những thay đổi ở trận đấu cuối gặp U23 Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Ở trận đó, hơn nửa đội hình xuất phát của U23 Việt Nam thuộc "lò" đào tạo Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Đó cũng là trận đấu hay nhất, giàu tính cống hiến và thuyết phục về mặt chuyên môn nhất của U23 Việt Nam ở giải năm nay. Qua đó các chuyên gia càng có điều kiện để khẳng định rằng tố chất cầu thủ Việt Nam phù hợp với lối chơi kỹ thuật, ban bật ở cự ly trung bình nhỏ và trong thời điểm này cần phải dựa vào nhóm cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt cho cách chơi trên. Đó có lẽ là đúc rút có ích nhất với U23 Việt Nam từ sau giải này.

Tuy nhiên, sự thay đổi của ông T.Miura dường như quá muộn. Tất cả chỉ làm người hâm mộ thêm tiếc về những quyết định nhân sự, lối chơi của ông ở hai trận đấu trước. Dẫu vậy, ông T.Miura đã làm được nhiều việc khi dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam như nâng thể lực, ý thức chuyên nghiệp, tinh thần thi đấu, sự đoàn kết.

Minh Quang