Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh

Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 23/01/2016

(HNM) - Sau phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhiều hãng thông tấn báo chí nước ngoài đã dành thời lượng đáng kể để phản ánh, phân tích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đề cập đến những thành tựu cũng như hạn chế trong thời gian qua cũng như phương hướng, kế hoạch đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.


Các hãng thông tấn lớn như AP (Mỹ), Al-Jazeera (Qatar), Deutsche Welle (Đức), NHK (Nhật Bản), Manila Times (Philippines) đã trích đăng bài diễn văn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng bên cạnh “những khó khăn và thách thức”, cũng có “rất nhiều cơ hội mới đang mở ra” với Việt Nam. Dẫn bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hãng thông tấn Cuba Prensa Latina nêu bật tầm quan trọng của Đại hội, cho rằng đây là kỳ Đại hội của “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, đồng thời nhận định Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam là minh chứng cho thành công của Việt Nam sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới.

Bên cạnh đó, dư luận quốc tế tiếp tục dành sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề kinh tế, đặc biệt là các chính sách kinh tế và triển vọng phát triển của Việt Nam trong những năm tới. Đánh giá tích cực về nỗ lực cải cách, mở cửa của Việt Nam, các chuyên gia nhận định Việt Nam nên tận dụng thời cơ hiện nay để phát triển mạnh mẽ.

Các hãng tin của Canada như CTV, Metro News đăng tải nhận định của ông Christian Lewis, chuyên gia về Việt Nam thuộc nhóm cố vấn Á - Âu có trụ sở tại New York (Mỹ), cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi những cải cách kinh tế. Đặc biệt, ban lãnh đạo mới sẽ duy trì cam kết thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các thỏa thuận thương mại chủ chốt khác, trong đó có thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU). Trong khi đó, chuyên gia Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục gắn liền ba vấn đề: tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và tăng cường khả năng quốc phòng. Theo ông, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là ưu tiên hàng đầu và việc ủng hộ TPP là một dấu hiệu tốt cho thấy định hướng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới. Ngoài lĩnh vực kinh tế, Việt Nam có thể sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ với Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ trong các lĩnh vực khác như khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực,…

Báo Les Echos (Pháp) số ra ngày 21-1 đăng bài viết cho biết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ xem xét, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho Việt Nam trong 5 năm tới. Trong đó nhấn mạnh lộ trình nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 3.200 - 3.500 USD/năm vào năm 2020, duy trì lạm phát dưới ngưỡng 5% và thâm hụt ngân sách không vượt quá 4% GDP. Thị trường tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài do Việt Nam không chỉ đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà còn đã ký kết TPP.

Trang tin CNBC (Mỹ) ghi nhận, nhiều công ty đa quốc gia đang tăng cường hiện diện ở Việt Nam và Hiệp định TPP dự kiến mang lại cơ hội tăng trưởng to lớn. Tuy nhiên, dù tăng trưởng năm 2015 đạt mức cao nhưng cần quyết liệt tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách. Chuyên gia kinh tế Châu Á thuộc tổ chức IHS Global Insight, ông Rajib Biswas, cho biết Việt Nam cần tận dụng thời cơ để trở thành một trung tâm lớn ở Châu Á về sản xuất và xuất khẩu.

Nhận định về môi trường đầu tư tại Việt Nam, bài viết về Đại hội XII của Đảng trên trang điện tử Financial Times (Anh) nhấn mạnh Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất tìm kiếm địa điểm mới nhằm cắt giảm chi phí sau tình trạng tăng lương tại một số nước như Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cần tích cực đẩy mạnh cải cách cơ cấu để đối phó các nguy cơ về nợ xấu hay bong bóng bất động sản.

Dẫn nhận định của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tờ Japan Times (Nhật Bản) cho rằng, nếu đạt được các mục tiêu về GDP bình quân đầu người và tăng trưởng GDP đạt 7%/năm trong giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khi kêu gọi đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và bài trừ tham nhũng.

Quang Huy