Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 23/01/2016

(HNM) - Trong Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc (ngày 21-1), vấn đề phát huy sức mạnh "Đại đoàn kết dân tộc" trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được đặc biệt nhấn mạnh.

Trước hết cần khẳng định "Đại đoàn kết dân tộc" là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Truyền thống ấy được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết tạo thành sức mạnh vô song đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc được phát huy ngày càng cao hơn và "Đại đoàn kết toàn dân tộc" chính là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

30 năm đổi mới, một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Song, để tiếp tục phát huy thành quả này, toàn Đảng, toàn dân ta cần củng cố hơn nữa sức mạnh đoàn kết. Trong những năm qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng và phức tạp, tác động rất lớn vào nước ta và các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách chống phá khối "Đại đoàn kết toàn dân tộc". Chúng ra sức thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, sử dụng các chiêu bài "dân chủ'', "nhân quyền" hòng phá hoại thành quả cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Báo cáo do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày nhấn mạnh việc "Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc...".

Như vậy có thể thấy, phát huy sức mạnh "Đại đoàn kết toàn dân tộc" trong thời kỳ mới cần phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hơn lúc nào hết, Nhà nước cần quan tâm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật. Đây là vấn đề cấp thiết, là yếu tố quyết định trực tiếp.

Để ý Đảng hợp lòng dân, phát huy sức mạnh "Đại đoàn kết toàn dân tộc" cần gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa và giữ vững kỷ cương. Xây dựng cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ. Các cấp ủy đảng và chính quyền cần thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Phải bảo đảm đoàn kết từ trong Đảng ra toàn xã hội. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Với niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào tương lai tươi sáng của đất nước, chúng ta có thể khẳng định: Khi toàn thể người dân Việt Nam chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thì sức mạnh dân tộc sẽ nâng lên gấp bội, đất nước sẽ sớm hoàn thành mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nữ Quỳnh