Bóng dáng một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:33, 23/01/2016

(HNM) - Sau một chuỗi ngày giao dịch ảm đạm với sắc đỏ bao trùm các thị trường toàn cầu, chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch chiều 21-1 (sáng 22-1 giờ Việt Nam) bất ngờ chuyển màu xanh khi cả ba chỉ số Dow Jones, Nasdaq Composite và S&P 500 đều tăng điểm.

Thị trường chứng khoán Châu Âu cũng ghi nhận dấu hiệu khởi sắc sau khi Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi để ngỏ khả năng xem xét lại chính sách tiền tệ trong phiên họp tháng 3 tới, làm tăng hy vọng ECB sẽ tiếp tục nới lỏng định lượng. Thế nhưng, không ai dám chắc đà tăng điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu 24 giờ qua sẽ được duy trì dài hạn, bởi trước đó, sự hoảng loạn đã khiến ít nhất 40 thị trường chứng khoán toàn cầu với tổng giá trị 27.000 tỷ USD "đỏ lửa".

Thị trường chứng khoán chao đảo gây lo lắng cho giới đầu tư.


Lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự giảm tốc mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, giá dầu lập đáy mới trong 12 năm qua, căng thẳng địa chính trị tại một số điểm nóng trên thế giới… là những nhân tố khiến giới đầu tư lo ngại trước khi đưa ra quyết định bán tháo cổ phiếu. Đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 21-1, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải (Trung Quốc) rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12-2014 khi mất hơn 3,2%. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản cũng kết thúc ngày giao dịch trong sắc đỏ khi chốt phiên mất hơn 2,4%. Giới đầu tư gọi 21-1 vừa qua là ngày đen tối với các nền kinh tế mới nổi khi cả thị trường chứng khoán lẫn thị trường hối đoái và thị trường trái phiếu đều giảm mạnh.

Thị trường chứng khoán thế giới đã bước vào năm 2016 với một loạt phiên giao dịch tràn ngập trong sắc đỏ, đưa thị trường cổ phiếu khởi đầu một năm mới tồi tệ nhất trong lịch sử chứng khoán thế giới. Ngay trong ngày mở cửa đầu tiên của năm 2016, các thị trường chứng khoán đã kết thúc phiên với mức giảm điểm mạnh, trong đó sàn giao dịch Thượng Hải giảm tới 7% khiến nhà chức trách Trung Quốc phải dừng phiên giao dịch giữa giờ để tránh thị trường hoảng loạn. Sự lao dốc chóng mặt của thị trường chứng khoán hai tuần giao dịch đầu tiên năm 2016 khiến 400 tỷ phú hàng đầu thế giới mất đi tổng cộng hơn 300 tỷ USD. Nếu xu hướng thị trường đi xuống cả ở sàn giao dịch Châu Á, Châu Âu và Mỹ như những ngày qua, túi tiền của các tỷ phú được dự báo sẽ còn vơi đi đáng kể.

Sự chao đảo của chứng khoán toàn cầu những ngày qua diễn ra trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay so với dự báo công bố hồi tháng 10-2015 do sự suy giảm của các nền kinh tế mới nổi và giá dầu trên thế giới lao dốc. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được điều chỉnh, IMF dự báo tổng sản phẩm toàn cầu (GDP) sẽ chỉ tăng trưởng 3,4% năm 2016, giảm 0,2% so với dự đoán trước đó. Lý giải về nhận định này IMF cho rằng, tăng trưởng chậm hơn ở các thị trường mới nổi, đặc biệt ở Trung Quốc, giá cả hàng hóa sụt giảm, tăng lãi suất ở Mỹ… là những rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, thị trường chứng khoán lao dốc là điều khó tránh, bởi tâm lý bất an ngày càng đè nặng giới đầu tư. Theo các chuyên gia của Ngân hàng HSBC, kinh tế toàn cầu hiện nay giống như một con tàu đang tròng trành giữa sóng gió đại dương nhưng lại không mang theo phao cứu sinh. Một số ý kiến tỏ ra quan ngại hơn khi nhận định rằng, những phiên giảm điểm của thị chứng khoán thế giới là bóng dáng một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang định hình.

Với những gì đang diễn ra, chứng khoán toàn cầu được dự báo là sẽ tiếp tục một năm "gập ghềnh" và bất ổn như từng xảy ra năm 2015. Nhận định về năm 2016, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn là yếu tố chính có ảnh hưởng lớn tới triển vọng của các thị trường toàn cầu. Sự giảm tốc cũng như triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa và sự cân bằng trên thị trường tiền tệ. Cùng với đó, giá cả hàng hóa cũng là một yếu tố sẽ ảnh hưởng lớn tới giá cả cổ phiếu năm 2016. Nếu giá dầu tiếp tục giảm sẽ nảy sinh thêm nhiều hệ lụy, trong đó thị trường chứng khoán chịu tác động trực tiếp là điều khó tránh.

Chứng khoán giảm điểm không thể hiện đúng tình trạng nền kinh tế Việt Nam

(HNM) - Trong 2 tuần trở lại đây, sắc đỏ chiếm chủ đạo trên các sàn giao dịch chứng khoán khiến VN-Index từ ngưỡng 557 điểm, lùi xuống 522,24 điểm. Riêng từ ngày 18 đến 22-1, thị trường có 3 phiên giảm điểm mạnh, chỉ có 2 phiên tăng, khiến chỉ số này mất hơn 20 điểm so với phiên cuối tuần trước. Đáng chú ý, sau khi Ủy ban Chứng khoán nhà nước có văn bản yêu cầu rà soát giao dịch đặc biệt, xử lý tin đồn, thị trường chứng khoán có 1 phiên tăng điểm nhưng sau đó là 2 phiên giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 22-1), các chỉ số chứng khoán hồi phục nhẹ. Đóng cửa phiên, chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội tăng 0,79 điểm, tương đương 1,09%, đạt 73,85 điểm. Còn trên sàn TP Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,36 điểm (0,07%), lên mức 522,24 điểm.

* Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2016, diễn ra ngày 22-1, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Bằng cho rằng, các nhà đầu tư đang phản ứng thái quá với những thông tin bên ngoài cũng như tác động bởi tin đồn thất thiệt. Thời gian qua, những diễn biến kinh tế và thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có tác động nhất định đến nhiều thị trường chứng khoán lớn và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, những phiên giảm điểm vừa qua không thể hiện đúng tình trạng của nền kinh tế, mà chủ yếu do tâm lý và ảnh hưởng của xu hướng thế giới.

Đức Anh

Đình Hiệp