Tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(*)

Chính trị - Ngày đăng : 11:37, 22/01/2016

(HNMO) - Sáng nay 22-1, thay mặt Đảng bộ TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã tham luận tại Đại hội XII với chủ đề “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”.


Hànộimới Điện tử xin giới thiệu toàn văn bài tham luận:

Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội trình bày tham luận tại Đại hội XII. Ảnh: TTXVN


Kính thưa Đoàn Chủ tịch!

Kính thưa toàn thể Đại hội!

Đoàn đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung Báo cáo các văn kiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trình bày tại Đại hội.

Được phép của Đoàn Chủ tịch Đại hội, tôi xin thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội, tôi xin trình bày tham luận với chủ đề “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”.

Kính thưa Đại hội!

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một nội dung lớn và quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng ta. Qua các kỳ Đại hội, từ Đại hội VI đến Đại hội XI, quan điểm của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không ngừng được phát triển, ngày càng hoàn thiện. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đưa ra quan điểm về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đó là: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối”, “Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng XHCN”.

Để kinh tế thị trường định hướng XHCN đi vào cuộc sống, vấn đề mấu chốt là phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và chịu tác động sâu sắc, nhiều chiều đến mọi mặt của đời sống xã hội. Chính vì vậy, Đại hội XI đã xác định “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” là một trong ba khâu đột phá chiến lược về kinh tế. Dự thảo Văn kiện Đại hội XII tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong Dự thảo đã nêu rõ phương hướng hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; có giá trị định hướng lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ, cần tiếp tục cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Với vị thế là Thủ đô - trái tim của cả nước, có truyền thống ngàn năm văn hiến, Hà Nội được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư về mọi mặt để phát triển thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

TP Hà Nội đã chủ động tổ chức thực hiện, vận dụng sáng tạo, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát huy các tiềm năng thế mạnh, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng thành công kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn Thủ đô.

Trong suốt 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, qua 6 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ, TP Hà Nội ngày càng hoàn thiện nhận thức và tư duy đổi mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với điều kiện đặc thù của Thủ đô. Trong đó, Đảng bộ Hà Nội xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa phải tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Phát triển kinh tế phải dựa trên các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường để giải phóng sức sản xuất, phát huy mọi nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; nhưng đồng thời phải đi đôi với phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; hội nhập quốc tế phải gắn liền với độc lập dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và quốc phòng an ninh, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Hà Nội đã vận dụng sáng tạo kinh tế thị trường thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển đồng bộ, vững chắc các loại thị trường, trong đó sớm hình thành một số thị trường mới như thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, thị trường mua bán nợ, thị trường ý tưởng mới và tri thức, thị trường khoa học và công nghệ… Chủ động đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp hiệu quả giữa phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Hà Nội cũng luôn đi đầu trong việc tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tiềm năng, lợi thế và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh việc tập trung phát triển, hoàn thiện đồng bộ các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường, TP Hà Nội luôn ý thức sâu sắc tầm quan trọng và đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đây chính là đặc trưng và tính ưu việt của kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Hà Nội đã chú trọng đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách, trước hết là người có công với cách mạng... Đặc biệt coi trọng giữ gìn các giá trị đặc sắc của Thủ đô, đó là xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến.

Bên cạnh đó, chú trọng tới việc đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư bảo đảm thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Nhờ sự vận dụng sáng tạo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với đặc thù của Thủ đô, cơ cấu kinh tế của Hà Nội có sự chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện đồng bộ và hiện đại hơn; GDP có sự tăng trưởng vượt bậc sau 30 năm đổi mới: GDP tăng từ 4,48% giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) lên 9,3% giai đoạn 2009-2015; GDP đầu người năm 2015 tăng gấp 6,4 lần so với năm 1990. Bên cạnh các chỉ tiêu về kinh tế, nhiều chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân… tiếp tục trong nhóm các địa phương đứng đầu cả nước. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới, khang trang, văn minh, hiện đại. Tình hình chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được củng cố, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với công cuộc đổi mới, đối với sự nghiệp xây dựng phát triển Thủ đô và đất nước được củng cố. Vị thế, uy tín Thủ đô ngày càng được nâng cao đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển có thể thấy rằng kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là một mô hình kinh tế hoàn toàn mới, thời gian thực hiện chưa đầy 30 năm. Cho nên, trong quá trình phát triển, mặc dù rất chủ động, tích cực và vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh cụ thể nhưng Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung gặp không ít trở ngại, khó khăn. Việc nhận thức, đề ra cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện còn nhiều thách thức và rào cản. Xây dựng thể chế, thiết chế quản lý chưa bắt kịp những yêu cầu và đòi hỏi của công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường mới phát triển chậm, manh mún, thiếu đồng bộ, vận hành chưa thông suốt. Nhiều nguồn lực, nhất là tài nguyên, lao động và vốn chưa được quản lý, sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao. Mô hình kinh tế thị trường chưa được cụ thể hóa đầy đủ trong điều kiện đô thị lớn và đặc thù như Thủ đô Hà Nội…

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh thể chế, chính sách và pháp luật một cách tổng thể, toàn diện để không chỉ phù hợp với các cam kết quốc tế, với chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mà còn phải phát huy được lợi thế của Hà Nội là Thủ đô của đất nước. Khi Việt Nam đã chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì những điều chỉnh chính sách sẽ không chỉ giới hạn trong những vấn đề truyền thống của hội nhập như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách đầu tư nước ngoài, mà còn động chạm đến những vấn đề mà Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý như vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, lao động, hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp bằng những biện pháp phù hợp với cam kết…

Để phát triển thành công kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc hoàn thiện thể chế là điều kiện tiên quyết, hết sức quan trọng. Để làm được điều này, Hà Nội đề xuất:

Thứ nhất, rà soát lại mô hình tổng quát phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta cho phù hợp với yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước trong thời gian tới. Trong quá trình rà soát, cần xác định những đặc trưng mang tính phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại để tham chiếu, vận dụng trong quản lý, điều hành nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, cần xác lập cụ thể hơn vai trò chủ thể của Nhà nước theo hướng Nhà nước đề ra những thể chế kiến tạo sự phát triển, nhất là kiến tạo phát triển thị trường, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời đề ra các công cụ điều tiết và kiểm soát thị trường hiệu quả, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm công bằng xã hội.

Thứ hai, tiến hành rà soát và có lộ trình điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn có liên quan về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là về chế độ sở hữu, phân phối và lưu thông hàng hóa, bảo đảm tính đồng bộ, không chồng chéo, phù hợp các quy định của pháp luật.

Thứ ba, bên cạnh việc vận dụng thống nhất, đồng bộ và hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong cả nước, cần tính đến các đặc thù của từng vùng, từng địa phương. TP Hà Nội sẽ nghiên cứu để thực hiện trong thẩm quyền hoặc đề xuất với Trung ương cho phép triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tái cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, thực hiện an sinh xã hội… nhằm tiên phong thực hiện thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn Thủ đô.

Thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, tôi xin bày tỏ sự trân trọng biết ơn và cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; sự quan tâm của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cả nước suốt thời gian qua. Mong rằng, trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Nhân dịp năm mới 2016 và đón Xuân Bính Thân, xin kính chúc Đoàn Chủ tịch và các đồng chí đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!
......................................

(*) Đầu đề do HNMO đặt

HNMO