Những "chiến sỹ" thầm lặng của đêm
Đời sống - Ngày đăng : 11:31, 22/01/2016
Những chiến binh thầm lặng
Giữa dòng đời tấp nập, giữa phố xá nhộn nhịp, hối hả, giữa cái rét của những ngày đông giá, ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh những người công nhân thu gom, dọn dẹp rác thải, đó là những công nhân vệ sinh môi trường. Với chiếc xe đẩy nặng trịch, chiếc chổi trong tay, bộ quần áo mỏng manh, công việc của họ chính là làm sạch cho đời, thu gom tất cả các loại rác thải, trong mọi ngõ ngách của thành phố. Lúc nào cũng oằn mình với rác thải, với mùi hôi thối xung quanh giữa thời tiết khắc nghiệt này.
Oằn mình với hàng tấn rác thải mỗi ngày |
Đã gắn bó với nghề được ngót gần chục năm nay, chị Phạm Thị Thường (47 tuổi) - công nhân thu gom rác trên đường Văn Tiến Dũng (Cầu Diễn, Từ Liêm) cho biết: “Mới đầu đi làm tôi cũng không chịu nổi vì những thứ mùi rất kinh tởm, lúc nào cũng khăn, khẩu trang kín mít. Nhưng làm nhiều rồi quen, bây giờ không cần dùng đến mấy thứ đó nữa".
Tiếp lời chị Thường, chị Nguyễn Thị Hà (39 tuổi) nói thêm: Chưa kể là lúc nào cũng phải đi thu gom rác đến khi xe đầy ắp, có khi còn cao phải gấp đôi người mình. Đêm tối chập choạng chỉ sợ vấp ngã đổ hết ra đường thì khổ.
Theo các công nhân thu gom rác ở đây, họ làm việc từ 3 giờ chiều cho đến 12 giờ đêm. Hôm nào xe chuyển rác đến muộn thì phải chờ đến tận 1, 2 giờ sáng hôm sau mới được nghỉ.
'Chiến binh' thầm lặng của đêm |
Mỗi mùa, mỗi thời điểm người công nhân thu gom rác lại gặp phải những khó khăn khác nhau. Mùa hè thì phải phơi mình trời nắng nóng, còn mùa đông lại làm việc dưới thời tiết lạnh giá. “Cực nhất là những ngày mưa, quần áo ướt sũng, rét run nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành công việc”, chị Hà nói.
Đặc biệt, những hôm trời trở lạnh, sau khi đã tập hợp rác tải tại một điểm, trong lúc chờ xe bốc tới, họ lại tranh thủ ngồi sởi ấm bằng những cành cây khô, lá khô bên cạnh “túp lều lý tưởng” do chính họ tạo ra.
Nguy hiểm, vất vả!
Công nhân vệ sinh môi trường là một nghề khá nguy hiểm. Thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường, chất bẩn độc hại trong khi đồ bảo hộ lại vô cùng đơn giản, không an toàn: chỉ có găng tay và quần áo đồng phục. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Theo thống kê, trong tổng số các bệnh có tới 25% là do môi trường gây ra hoặc liên quan tới môi trường. Chị Thường cho biết, có khi trong rác thải thu gom được chứa cả những bơm tiêm dính máu có thể là do dân nghiện ma túy để lại, nhất là lại làm việc vào đêm khuya, tầm nhìn hạn chế, không cẩn thận có thể mắc bệnh như chơi.
Thời gian kết thúc công việc cũng khá muộn nên việc gặp nguy hiểm trên đường về nhà cũng là điều khó tránh khỏi. “Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải chấp nhận”, chị Hà nói.
Chẳng những phải làm việc trong môi trường ô nhiễm mà công nhân vệ sinh còn không có thời gian để hưởng thụ những ngày lễ, Tết như những người bình thường khác. Họ phải làm quanh năm, suốt tháng, nắng cũng như mưa. Ngay cả thời gian chăm sóc gia đình cũng không có. Khi họ trở về thì đường phố đã vắng tanh, mọi người đều đã chìm vào giấc ngủ. Ngày nghỉ duy nhất của họ chỉ có đúng một ngày là mùng 1 Tết.
Nguy hiểm, vất vả là thế song mức lương mà những công nhân môi trường nhận được so với công sức lao động bỏ ra lại không đáng là bao.
Giây phút giải lao đợi xe đến bốc rác. |
Với chị Thường, công việc này chỉ là phụ chứ không thể nào dựa vào nó để sống được. Mỗi tháng tính cả các tiền phụ cấp, lương của chị là 3 triệu đồng, chưa kể phải tự túc tiền ăn tối trong khi làm việc. “Số tiền này không đủ để tôi nuôi 2 đứa con đang ở tuổi ăn học. Tôi phải làm thêm ruộng. Chứ cứ trông chờ vào lương này thì chỉ có chết đói”, chị Thường chia sẻ.
Đêm, cái khoảng thời gian con người thường dành để nghỉ nghơi, để sum vầy bên gia đình thì những người như chị Thường, chị Hà và biết bao công nhân vệ sinh môi trường khác đang phải cặm cụi với từng đống rác thải. Họ chính là những "chiến sỹ" thầm lặng của đêm...