Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là mục tiêu xuyên suốt

Văn hóa - Ngày đăng : 06:51, 21/01/2016

(HNM) - Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, coi văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.



Trong 30 năm đổi mới, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế toàn diện, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gặp không ít khó khăn, thách thức, song nhờ có định hướng đúng, cách làm đúng, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đạt những thành tựu khả quan.

Ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.


Trong suốt chiều dài dựng nước, giữ nước, bản sắc văn hóa đã làm nên sức mạnh Việt Nam, sức sống Việt Nam. Tại Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Đảng ta xác định nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng cơ bản để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Biểu hiện bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hóa dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. "Đặt trong bối cảnh xã hội trong nước và quốc tế những năm cuối thế kỷ XX, Nghị quyết Trung ương 5 đề cao nhiệm vụ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa hợp lòng dân, vừa đáp ứng được nhu cầu của thời đại" - GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam khẳng định.

Để có thể đưa nội dung Nghị quyết Trung ương 5 vào cuộc sống, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã được phát động và triển khai trên phạm vi cả nước; hệ thống luật pháp và các chính sách khuyến khích giữ gìn, sáng tạo văn hóa được xây dựng, bổ sung; nguồn lực đầu tư cho văn hóa được tăng cường... Nhờ những cách làm sáng tạo và hiệu quả, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã tác động tích cực tới đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 90% số hộ phấn đấu xây dựng và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, trong đó có hơn 80% số hộ đạt chuẩn danh hiệu văn hóa; số làng, tổ dân phố văn hóa không ngừng tăng lên. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, hàng trăm di tích đã được đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo; hàng chục lễ hội truyền thống đã được phục dựng, duy trì như: Lễ hội đền Lảnh Giang, tịch điền Đọi Sơn, lễ hội xuống đồng của người Khmer… Nhiều di sản văn hóa phi vật thể tưởng như bị rơi vào quên lãng nay được cả thế giới biết, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới như: ca trù, hát xoan...

Những kết quả đạt được trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là không thể phủ nhận, nhưng so với mục tiêu "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 thì có những việc chưa đạt yêu cầu.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Dự thảo Báo cáo chính trị) nêu rõ: "So với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu… Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ". Từ sự nhìn nhận thẳng thắn đó, Đảng đề ra phương hướng, nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn 2016-2021 là: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội" (Dự thảo Báo cáo chính trị).

Nói về quan điểm xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong Dự thảo Báo cáo chính trị, ông Nguyễn Viết Chức (Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long) khẳng định: Phương hướng, nhiệm vụ, quan điểm xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của Đảng trong Dự thảo Báo cáo chính trị không chỉ đúng, trúng mà còn vô cùng cần thiết. Hướng giải pháp này được thực hiện lồng ghép song song với những nội dung của Nghị quyết 33 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam phát triển bền vững đất nước" thay thế cho Nghị quyết Trung ương 5 được xây dựng trước đó chắc chắn sẽ là "bà đỡ" mát tay cho những sản phẩm văn hóa ra đời trong điều kiện mới, phản ánh đúng khí chất con người Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Hà Hiền