Lực đẩy của nền kinh tế Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 21/01/2016
5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế khu vực và thế giới đã có nhiều tác động bất lợi tới nước ta. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, nhìn tổng thể chúng ta đã đạt được những thành quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đặc biệt, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược đã bước đầu tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. |
Để thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược cùng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng rất cần tới sự đổi mới trong tư duy phát triển của Đảng đối với một số vấn đề trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trên cơ sở đó, quan điểm, mục tiêu đã có những sự điều chỉnh so với trước thời điểm năm 2010 để phù hợp với tình hình thực tiễn. Cụ thể là từ phát triển sang phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được thể chế hóa và là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong cả giai đoạn 2011-2015. Nghị quyết của Quốc hội cũng khẳng định đây là những vấn đề cần thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020 cùng đề án tái cơ cấu, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm ban hành căn cứ pháp lý để nhanh chóng tổ chức thực hiện cùng các giải pháp đồng bộ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ đồng thời phối hợp tốt với chính sách tài khóa; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Việc điều chỉnh nhiệm vụ trọng tâm như đã nêu, không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng kinh tế là một "phản ứng chính sách" kịp thời, đúng đắn, có ý nghĩa định hướng rất cơ bản và quan trọng, đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội.
Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hệ thống văn bản liên quan đến thể chế kinh tế tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt trong đó Hiến pháp năm 2013 và 35 dự án luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua trong những năm đầu nhiệm kỳ 2011-2015 đã đề cập tới nhiều nội dung liên quan đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các chính sách thúc đẩy quá trình thị trường hóa như giá các loại hàng hóa quan trọng (điện, xăng dầu, than...) và các dịch vụ công về giáo dục, y tế… từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ qua từng năm với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; việc tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Chúng ta đã dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.
Trong phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, lĩnh vực khoa học và công nghệ, hệ thống chính sách, pháp luật được tiếp tục hoàn thiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng. Đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được quan tâm đặc biệt. Một số công trình giao thông quan trọng được ưu tiên đầu tư nâng cấp và hoàn thành, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức khác nhau để thực hiện mục tiêu ưu tiên này.
Với việc cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là trên một số lĩnh vực trọng tâm, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế có bước cải thiện; bảo đảm hài hòa hơn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tuy không bằng giai đoạn trước nhưng vẫn đạt gần 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát (giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 5% năm 2015), kinh tế vĩ mô dần ổn định, cán cân thương mại được cải thiện; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn tăng thêm ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, đồng thời hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Năm 2015, năm cuối nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng là năm Việt Nam triển khai tích cực Cộng đồng ASEAN và thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương một cách đồng bộ, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Cùng với những kết quả đạt được, việc thực hiện các trọng tâm của 3 khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn 2011-2015 cũng đã bộc lộ một số bất cập cần được nhìn nhận, đánh giá và phân tích sâu sắc để Đại hội XII của Đảng đưa ra những định hướng, quyết sách đúng đắn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhằm khơi dậy tối đa mọi tiềm năng, nguồn lực trong và ngoài nước, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững.