Tiêu thụ gia cầm sống dịp Tết: Thói quen... có hại

Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 20/01/2016

(HNM) - Mặc dù thành phố đã có lệnh cấm tiêu thụ, giết mổ gia cầm sống tại các chợ nội thành nhưng do thói quen tiêu dùng của người dân khiến tình trạng buôn bán giết mổ gia cầm sống không giảm mà càng nhộn nhịp hơn vào thời điểm cận Tết.


Gia tăng nguy cơ dịch bệnh

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, do nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân những ngày giáp Tết tăng cao nên lưu lượng vận chuyển, buôn bán gia cầm có sự tăng đột biến 10-20%. Cũng vì số chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia cầm trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu nên hiện tượng buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ cóc, chợ tạm vẫn diễn ra thường xuyên.

Việc buôn bán này chủ yếu được vận chuyển bằng xe máy, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Bên cạnh đó, các thương lái đưa động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh về Hà Nội thường tránh né các trạm, chốt kiểm dịch liên ngành khiến việc kiểm tra, xử lý khó khăn. Vì vậy, tình trạng gia cầm không rõ nguồn gốc tuồn vào các chợ cóc, chợ tạm là khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đồ tươi sống của người tiêu dùng rất cao.

Tiêu thụ, giết mổ gia cầm sống tại các chợ là nguy cơ gia tăng dịch bệnh. Ảnh: Anh Tuấn


Theo ông Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng phòng Kiểm dịch Chi cục Thú y Hà Nội, thói quen sử dụng gia cầm sống, giết mổ ngay tại chợ và coi đó là thực phẩm "sạch" của người tiêu dùng bao đời nay đang là nguyên nhân khiến thương lái bất chấp các quy định về kinh doanh giết mổ gia cầm tại các chợ. Thực chất, việc giết mổ kiểu này không bảo đảm vệ sinh thú y bởi khi giết mổ dưới sàn sẽ nhiễm theo nhiều vi khuẩn có hại. Không những thế, gia cầm đưa vào các chợ cóc, chợ tạm đều không rõ nguồn gốc xuất xứ nên có thể có cả gia cầm mắc bệnh nên nguy cơ dịch bệnh cao.

Anh Nguyễn Văn Võ, chủ cửa hàng gia cầm sống tại Chợ Xanh (Văn Quán, Hà Đông) cho biết, gia đình làm nghề bán gia cầm sống từ nhiều năm nay. Vào tháng Chạp, nhất là từ ngày Rằm trở ra trung bình mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng 50-60 con, cao hơn 20-30 con gia cầm so với ngày thường. Vào những ngày mưa phùn, thời tiết ẩm, nhốt gần 100 con gia cầm cũng thấy mùi xú uế nhưng đây là kế sinh nhai của gia đình nên không bỏ được. Còn theo chị Bùi Thị Vui ở Thanh Xuân, vào các ngày lễ hoặc Tết, gia đình đều ra chợ mua 1-2 con gia cầm sống sau đó nhờ người bán mổ luôn tại chợ, biết là không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng do gia đình ai cũng thích ăn đồ tươi nên chị vẫn mua.

Thực tế, sản phẩm thịt gà bán trong siêu thị tuy có ghi nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ nhưng là hàng đông lạnh nên tâm lý người tiêu dùng không thích. Mặc dù vào ngày cận Tết, giá gà có thể tăng lên 20%, nhưng nhiều gia đình vẫn chấp nhận mua để sử dụng vì thói quen thích đồ "tươi sống".

Giám sát "như muối bỏ biển"

Ông Đỗ Phú Sơn, Phó phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, mặc dù các ngành chức năng tăng cường, kiểm tra giám sát việc kinh doanh gia cầm tại các chợ nhưng chỉ "như muối bỏ biển" vì lực lượng mỏng trong khi số lượng chợ trên địa bàn thành phố lớn. Hiện, trung bình mỗi chợ cóc, chợ tạm (nằm tại các ngõ, ngách của thành phố) có khoảng 5-10 người buôn bán gia cầm sống, các chợ này đều không có Ban quản lý nên càng khó khăn hơn cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Để từng bước chấn chỉnh việc này, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần đầu tư xây dựng các chợ đầu mối kinh doanh buôn bán sản phẩm động vật bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường để truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Mặt khác, các quận, huyện cần quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ tại các cơ sở giết mổ tạm thời, đặc biệt là các chợ kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, qua đó xử lý triệt để các vi phạm trong lĩnh vực thú y, nhất là đối với trường hợp buôn bán gia cầm sống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối với những chợ cóc, chợ tạm không có Ban quản lý, chính quyền địa phương cần cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, tịch thu sản phẩm để răn đe. Hiện thời tiết đang có nhiều diễn biến phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, các ngành liên quan cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng gia cầm sống không rõ nguồn gốc nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Vì sức khỏe của gia đình và cộng đồng, đã đến lúc, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen có hại của mình trong việc sử dụng gia cầm giết mổ tại các chợ.

Ngọc Quỳnh