Hồi sinh di sản theo hướng bền vững

Văn hóa - Ngày đăng : 06:50, 20/01/2016

(HNM) - Năm 2016, hội Gióng đền Phù Đổng và Đền Sóc (loại hình di sản lễ hội đầu tiên ở nước ta được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) đến kỳ UNESCO



Trong rất nhiều chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản hội Gióng thì việc bảo tồn khẩn cấp di sản hát múa Ải Lao ở phường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) - một trong những nghi lễ đặc trưng của hội Gióng ở đền Phù Đổng đã góp phần làm rõ hơn những giá trị có một không hai của di sản.

Một màn múa trong hội Gióng tại đền Phù Đổng. Ảnh: Thái Hiền


Theo truyền thuyết và lời kể của những người cao tuổi làng Hội Xá (phường Phúc Lợi), di sản hát múa Ải Lao gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng đi đánh giặc Ân. Trong hội Gióng ở đền Phù Đổng (diễn ra từ ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch hằng năm), phường Ải Lao tham gia thực hành một số nghi lễ quan trọng ở Đền Thượng, Đền Mẫu và Miếu Ban. "Các lời hát, điệu múa do phường Ải Lao biểu diễn trong lễ hội dâng lên Thánh Gióng và Thánh Mẫu được hình tượng hóa, cách điệu hóa. Trong hát và múa Ải Lao có các lớp lang văn hóa, các câu chuyện lịch sử được đúc kết qua nhiều thế hệ, vì thế di sản nghệ thuật này có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa lịch sử và văn hóa đáng được trân trọng, giữ gìn", PGS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa nhận xét.

Hát múa Ải Lao là một trong những nghi lễ đặc trưng của hội Gióng nên việc hội Gióng bị gián đoạn tổ chức trong thời kỳ chiến tranh đã khiến cho di sản đứng trước nguy cơ mai một. "Số người biết hát, múa Ải Lao và có khả năng truyền dạy di sản hầu hết đã ở tuổi "xưa nay hiếm"; lớp trẻ không phải ai cũng mặn mà với di sản, trong khi Ải Lao được hát theo lối đảo từ, đảo câu, thêm từ láy, rất khó hát. Việc truyền dạy di sản theo hình thức truyền miệng cho cả nhóm duy trì từ xưa đến nay ít nhiều khiến cho một số ca từ, làn điệu cổ bị… thất bản", ông Nguyễn Trọng Hinh, Trưởng phường Ải Lao trăn trở.

Nhằm bảo tồn một di sản văn hóa quý, từ năm 2015 đến nay, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) lập dự án "Nghiên cứu, bảo vệ tập quán xã hội hát và múa Ải Lao". Sau quá trình khảo sát, điền dã, tiếp cận và trao đổi với cộng đồng, các nhà nghiên cứu đã xây dựng được hệ thống tư liệu khoa học làm cơ sở cho việc khôi phục điệu hát, múa cổ. Đó là cuốn sách "Các bài hát Ải Lao xưa và nay" giới thiệu về đặc điểm hát, múa Ải Lao, về các bài thơ đã được chuyển thể thành bài hát do cố GS Nguyễn Văn Huyên sưu tầm từ năm 1937, 1938 và các bài hát Ải Lao mới.

"Đây là lần đầu tiên sau 80 năm, phường Ải Lao có tập tài liệu về 12 bài hát được sử dụng để trình diễn ở hội Gióng xưa và nay. Những thành viên của phường Ải Lao với vai trò là chủ thể của di sản có thể dễ dàng so sánh các bài hát mình đang hát với lời bài hát cổ để tìm ra điểm giống và khác nhau của lời hát, ca từ, từ đó chỉnh sửa cho phù hợp", PGS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh. Cùng với cuốn sách, bộ tài liệu giáo dục về di sản hát múa Ải Lao và hội Gióng cũng đã được các cơ quan chức năng soạn thảo. Với 72 câu hỏi và câu trả lời, bộ tài liệu cung cấp những thông tin cơ bản về di sản là nguồn tư liệu quan trọng cho công tác giáo dục di sản trong trường học.

Sau khi có tư liệu khoa học để khôi phục di sản, phường Ải Lao đã có thêm nhiều thành viên, đa phần là lớp trẻ và duy trì sinh hoạt đều đặn. Các ngành chức năng của quận Long Biên và phường Phúc Lợi đang nỗ lực đưa di sản vào trường học. Sở VH&TT Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng hồ sơ về di sản hát, múa Ải Lao đề nghị Bộ VH,TT&DL xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để di sản được bảo tồn, phát huy giá trị theo hướng bền vững. Với những động thái tích cực nói trên, tương lai không xa nghệ thuật hát, múa Ải Lao - một trong những nghi lễ quan trọng của hội Gióng sẽ hồi sinh, phát triển.

Minh Ngọc