Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu về cải cách hành chính

Đời sống - Ngày đăng : 20:06, 19/01/2016

(HNMO) -Tại cuộc họp tổng kết công tác công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chiều 19- 1, các bộ, ngành phản ánh: đang có sự triển khai không đồng bộ giữa chủ trương của Trung ương và thực tiễn áp dụng tại địa phương.


Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Trần Anh Tuấn phân tích, trên cơ sở công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ở các bộ, ngành đã đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính trên nhiều nội dung như tiến hành kiểm tra cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. Thông qua đó, kết quả cải cách hành chính đạt được nhiều mặt tích cực.

Song, nhìn tổng thể, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn đến còn có sự thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện (ví dụ: Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/8/2015 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp vừa qua quy định việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh không thống nhất với Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg về Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông). Một số bộ chưa hoàn thành việc ban hành thông tư liên tịch với Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP. Vẫn còn tình trạng văn bản quy định chi tiết không được ban hành cùng thời điểm có hiệu lực của luật, gây khó khăn trong triển khai thi hành đồng bộ các luật, pháp lệnh khi có hiệu lực.

Đáng lưu ý hơn, một số bộ, ngành còn chưa quan tâm nhiều đến công tác cải cách hành chính. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính là kiêm nhiệm; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao, chưa thể hiện đổi mới tư duy trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức. Sự quan tâm đầu tư về nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác cải cách hành chính còn chưa nhiều. Việc bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ cải cách hành chính còn chậm.

Đánh giá việc các địa phương áp dụng các TTHC chậm một phần do khuyết điểm của TƯ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới phải làm tốt, chủ động hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu về CCHC. Với nhiệm vụ cơ quan thường trực CCHC của Chính phủ, Bộ Nội vụ có trách nhiệm tiếp tục đôn đốc, kiểm tra xây dựng thực hiện CCHC nhà nước, nhất là thủ tục hành chính ở lĩnh vực trọng tâm; khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành về chương trình cải cách cụ thể năm 2016.

Đồng thời, chú ý triển khai Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chú trọng nguyên tắc phân cấp, tính tự chủ của chính quyền địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công, trên tinh thần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả, chuyên nghiệp từ trung ương đến địa phương.

Hà Phong