Người sửa tàu miễn phí ở Trường Sa
Đời sống - Ngày đăng : 16:06, 19/01/2016
Ròng rã 6 năm qua, ông Vinh cùng xưởng cơ khí trên đảo Đá Tây sửa chữa miễn phí, cứu nguy hàng chục tàu ngư dân gặp nạn khi đánh bắt trên vùng biển Trường Sa.
Ròng rã 6 năm qua, ông Vinh cùng xưởng cơ khí trên đảo Đá Tây sửa chữa miễn phí, cứu nguy hàng chục tàu ngư dân gặp nạn khi đánh bắt trên vùng biển Trường Sa.
|
Ông Dương Đình Vinh đều đặn mở cánh cửa nhà xưởng cơ khí trên đảo Đá Tây (quần đảo Trường Sa) để bắt đầu một ngày làm việc khi những tia nắng đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên biển Đông. Ông là một trong số nhân viên đầu tiên của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ khai thác Hải sản biển Đông (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từ đất liền ra đảo gây dựng Trung tâm Dịch vụ Hậu cần đảo Đá Tây (Trường Sa) nhằm hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống. |
|
Khác với trong đất liền, ông Vinh thường phải kiểm tra một lượt máy móc, dụng cụ trước khi bắt tay vào công việc chính vì môi trường đảo đậm hơi nước biển dễ gây hỏng hóc thiết bị. |
|
Ông Vinh có khả năng làm thành thạo nhiều công việc cơ khí. Trong 6 năm ở đảo, trừ trường hợp tàu ngư dân bị bão đánh hỏng nặng, mọi tàu cá hỏng hóc khi được kéo về đây đều do ông khắc phục để ngư dân tiếp tục đánh bắt. Ở 49 tuổi, ông Vinh đã có thâm niên gần 30 năm đi khắp các vùng miền xa xôi làm nhiệm vụ. Quá quen cảnh công tác xa gia đình nhưng những ngày đầu ra Trường Sa, ông Vinh vẫn không khỏi bỡ ngỡ vì cuộc sống trên đảo khác xa đất liền. “Môi trường biệt lập, thiếu thốn, những ngày đầu tôi gần như không ngủ, mất tới vài tháng mới quen được”, ông kể. |
|
Xưởng được trang bị đầy đủ máy cơ khí cơ bản, như máy hàn, máy tiện, máy khoan, phay bào… Tất cả kỹ thuật, thao tác thiết bị ông Vinh đều phải thành thạo để có thể làm việc một mình trên đảo. |
|
Trong xưởng cơ khí cũng luôn sẵn nhiều can nước uống để cấp cho tàu ngư dân vào đảo. Ngoài xưởng cơ khí đảm nhận việc sửa chữa tàu, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần đảo Đá Tây Trường Sa nơi ông Vinh làm việc còn có nhiệm vụ cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước ngọt, nhiên liệu và cứu nạn tàu ngư dân đánh bắt trên vùng biển Trường Sa. Thực phẩm, nhu yếu phẩm và nhiên liệu được bán với giá bằng trong đất liền, trong khi nước ngọt và dịch vụ sửa chữa tàu hoàn toàn miễn phí. |
|
Giấc ngủ trưa của ông Vinh trong xưởng cơ khí ngổn ngang vật dụng máy móc. Mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần đảo Đá Tây Trường Sa tiếp nhận hàng nghìn lượt tàu ngư dân vào nhờ hỗ trợ. Trong năm 2015, Trung tâm tiếp nhận 890 lượt tàu vào đảo tránh trú, 427 lượt tàu vào đảo cung ứng hàng hóa nhiên liệu. Riêng xưởng cơ khí của ông Vinh sửa chữa cho hàng chục tàu hỏng hóc khi đang đánh bắt cá. |
|
Ông Vinh đi thăm vườn rau của Trung tâm trên đảo sau giờ làm việc. Tương tự như đơn vị bộ đội, tăng gia sản xuất cũng được ông Vinh và đồng nghiệp chú trọng để có thể tự cung một phần thực phẩm, đặc biệt là rau xanh, trong khi chờ đợi những chuyến tàu tiếp tế từ đất liền. |
|
Nhìn ngắm âu tàu đảo nơi các con tàu đang neo đậu an toàn giữa biển khơi, ông Vinh tâm sự những kỳ vọng về một trung tâm dịch vụ nghề cá hoàn chỉnh đang thành hình trên đảo Đá Tây, nơi sẽ có thêm các kho lạnh để tổ chức thu mua hải sản, xưởng làm nước đá ướp cá bán cho tàu đánh bắt… Một trung tâm dịch vụ như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho bà con ngư dân bám biển dài ngày khai thác nguồn lợi thủy sản, đồng thời khẳng định sự hiện diện dân sự thường xuyên của Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
|
Vào những ngày lễ, ông Vinh lại đến thắp hương tại miếu thờ Lý Thường Kiệt, nơi có tấm bia in bài thơ Nam quốc sơn hà. Có gốc tích từ thời xa xưa, miếu là một trong những bằng chứng khẳng định sự hiện diện của cha ông trên vùng biển và quần đảo Trường Sa. Ông Vinh cho biết luôn tâm niệm phải nỗ lực giúp đỡ hết mình mỗi khi tàu hỏng hóc vào đảo, giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. |
|
Ông Vinh trong buổi giao lưu với đoàn công tác từ đất liền ra đảo dịp gần Tết. Ông tâm sự, cuộc sống trên đảo lâu ngày không tránh khỏi nỗi nhớ đất liền, những lúc thèm khát được gặp gia đình nơi có vợ và hai con trai ở quê nhà Thái Nguyên. “Tôi mong ngóng từng chuyến tàu ra đảo để được nhìn thấy người trong đất liền, đơn giản muốn xem họ khác mình như thế nào, họ trắng hơn mình ra sao. Tiếp xúc vậy thôi chứ khi bảo chụp hình chung là ngại lắm vì mình sống ở đảo ai cũng đen sạm cả. Từng giây phút gặp gỡ, giao lưu đối với chúng tôi quý giá vô cùng”, ông Vinh tâm sự. |
|
Kỷ niệm về nỗi nhớ đất liền được ông Vinh kể lại qua một bức ảnh ông lưu đã lâu trong điện thoại. “Đó là đêm giao thừa Tết Nguyên Đán năm 2014. Anh em đồng nghiệp tâm trạng lắm, mỗi người một góc chẳng ai nói câu nào. Lúc đó tôi nghĩ mình là người lớn tuổi nhất nên phải mạnh mẽ để giúp anh em cứng rắn. Thế là tôi hô hào mọi người dậy đốt đống lửa to, mang nước ngọt ra tổ chức hát hò. Nhờ đó mà mọi người cũng vượt qua được phút yếu mềm”, ông kể. |
Theo Vnexpress