Nông dân Hà Nội livestream quảng bá sản phẩm: Phương thức mới, hiệu quả cao

Nông nghiệp - Ngày đăng : 09:52, 09/02/2023

(HNMO) - Nông dân Hà Nội có lợi thế ở trung tâm của cả nước nên thuận lợi hơn trong tiếp cận, nắm bắt, ứng dụng nhanh khoa học, công nghệ, vào sản xuất, chế biến. Đặc biệt, gần đây, nhiều nông dân, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hà Nội đã nhanh nhạy sử dụng mạng xã hội để livestream, quảng bá, bán sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mang lại hiệu quả.

Một buổi livestream giới thiệu, bán sản phẩm của chị Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ vườn dược liệu Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn).

Kênh quảng bá, bán hàng hiệu quả

Chị Nguyễn Thanh Tuyền là chủ vườn dược liệc Sóc Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) vừa có buổi livestream trên mạng xã hội facebook để quảng bá và bán cây giống dược liệu… Buổi livestream được chị thực hiện trực tiếp tại vườn dược liệu chỉ với một chiếc điện thoại smartphone có kết nối mạng.

Theo giới thiệu của chị Tuyền, từ 8 năm trước, chị đã trồng bảo tồn và phát triển nhiều loại dược liệu tại Sóc Sơn. Năm 2023, Vườn bắt đầu triển khai thêm 1 mô hình mới là nhân giống cây dược liệu cung cấp ra thị trường. Livestream chính là để giới thiệu cho nhiều người biết tới mô hình và bán cây giống đến tay người cần.

Trong buổi livestream, chị Tuyền giới thiệu các giống cây trà hoa vàng hakoda, trà hoa vàng Ba Chẽ, kim thảo, khôi nhung, khôi tía, dành dành, chè dây, xạ đen, giảo cổ lam, bạc hà… Đồng thời, chị tư vấn cho khách hàng cách trồng, chăm sóc và sử dụng dược liệu đúng cách. Buổi livestream kéo dài khoảng 20 phút, thu hút hàng trăm lượt xem, nhiều đơn hàng được “chốt”. 

Anh Phùng Đắc Dũng, Chủ cơ sở sản xuất các loại tinh bột nghệ, tinh dầu thơm ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm giới thiệu về vùng nguyên liệu sản xuất tinh dầu mùi.

...và sản phẩm sau quá trình chưng cất...

Còn với anh Phùng Đắc Dũng, chủ cơ sở sản xuất các loại tinh bột nghệ, tinh dầu thơm ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, quảng bá sản phẩm lên mạng xã hội đã trở thành hoạt động diễn ra hằng ngày. Để nâng cao hiệu quả quảng bá, anh Dũng còn phát trực tiếp, chụp ảnh giới thiệu về quá trình trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm… “Phát trực tiếp hình ảnh càng chân thực, càng tạo thêm được niềm tin, sự yêu thích của người tiên dùng khi lựa chọn sản phẩm”, anh Dũng nói.

Là xã đầu tiên của thành phố Hà Nội có sản phẩm OCOP về du lịch nông thôn, thời gian qua, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) quảng bá trên các trang mạng xã hội về sản phẩm du lịch của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng cho biết: "Xã đã xây dựng trang fanpage “Du lịch làng quê Hồng Vân” trên facebook. Đến nay đã có 6,1 nghìn lượt thích và 6,6 nghìn người theo dõi trang. Chúng tôi còn có kênh TikTok “htxhoacaycanhvadichvuhongvan”. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi đăng 2-3 bài viết, video giới thiệu về các sản phẩm, các hoạt động trải nghiệm du lịch tại địa phương”.

Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) quảng bá sản phẩm du lịch trên mạng xã hội...

Các bài viết được đăng tài thường xuyên mỗi ngày.

Do làm tốt công tác tuyên truyền và quảng bá, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đã đón hơn 10.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và sử dụng dịch vụ du lịch. Trong đó, riêng 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, xã đã đón 3.600 lượt khách.

“Xã Hồng Vân có các tuyến đường hoa ban rất đẹp. Chuẩn bị đến mùa hoa lại trùng vào mùa lễ hội truyền thống của các làng trên địa bàn xã, chúng tôi đang quảng bá để du khách đến Hồng Vân trải nghiệm phong cảnh và nét văn hóa đặc sắc của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng cho biết.

Quảng bá, bán sản phẩm trên mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử không còn là điều mới mẻ trong thời đại công nghệ hiện nay. Với chiếc điện thoại thông minh, chiếc máy tính có kết nối internet, những nông dân, chủ hợp tác xã hay doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn đều có thể đưa thông tin về sản phẩm của mình đến người tiêu dùng.

Với khoảng 2.000 sản phẩm OCOP, hàng nghìn sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm làng nghề của các địa phương, việc thúc đẩy thị trường tiêu thụ cho sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng đối với Hà Nội. Trong đó, tiêu thụ bằng hình thức thương mại điện tử là kênh mua bán hiện đại, phù hợp với người tiêu dùng trẻ hiện nay.

Vẫn cần hỗ trợ 

Mặc dù nhiều lợi thế nhưng để thành công trong phát triển thương mại điện tử đối với nông dân, chủ hợp tác xã hay các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn là điều không dễ. Để bán hàng trên mạng xã hội, đòi hỏi người dân thành thạo công nghệ; có kỹ năng bán hàng, chụp ảnh, viết bài, trả lời trên mạng và điều quan trọng là chữ tín. Đối với hàng nông sản, sản phẩm OCOP, muốn được bán trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, kiểm định hàng hóa do các sàn đặt ra.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng nhận định: "Mặc dù đã đạt được hiệu quả nhưng trang fanpage “Du lịch làng quê Hồng Vân” và kênh TikTok “htxhoacaycanhvadichvuhongvan” rất cần có thêm tin, bài, video phong phú hơn. Chúng tôi cũng cần cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực làm cộng tác viên để cùng xây dựng các trang mạng xã hội cho phong phú, sinh động hơn nữa".

Hiện nay, xã Hồng Vân đang thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, việc thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng của các thôn đã và đang tập hợp các tình nguyện viên đi từng nhà, giúp từng người tiếp cận với chuyển đổi số. Tuy vậy cũng có cái khó là tổ công nghệ số chưa được tập huấn sâu, chưa có hướng dẫn chế độ chính sách nên hoạt động còn hạn chế.

Để làm tốt chuyển đổi số rất cần có chỉ đạo từ thành phố xuống cơ sở, tạo thành các phong trào, cuộc vận động để người dân hiểu được ý nghĩa, giá trị tích cực, chủ động sử dụng như các chiến sĩ không gian mạng. 

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội hỗ trợ nông dân và các chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm trên nền tảng TikTok.

Nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ nông dân và các chủ thể OCOP tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội là đơn vị đầu tiên của thành phố có sáng kiến hỗ trợ các chủ thể OCOP bán hàng thông qua "Ngày hội livestream sản phẩm OCOP”.

Năm 2022, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tiếp tục phối hợp với TikTok Việt Nam tổ chức các lớp đào tạo tạo làm video ngắn; giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản vùng, miền trên nền tảng TikTok.

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, mỗi nông dân cũng cần nhạy bén tư duy, liên tục tìm tòi, thay đổi các hình thức bán hàng để đạt hiệu quả cao hơn.

Anh Bùi Văn Lập, hộ trồng bưởi ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì) chia sẻ, gia đình có hàng trăm gốc bưởi Diễn đang thu hoạch. "Thời gian đầu chưa quen, tôi chỉ đăng lên trang cá nhân, nhờ bạn bè, người thân chia sẻ nhưng việc tiêu thụ hạn chế. Tuy nhiên, khi tham gia các hội nhóm mua bán nông sản với hàng nghìn thành viên, dần dần bưởi nhà tôi đã có khách mua nhiều hơn", anh Lập nói.

Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Hướng đi này vừa giúp giới thiệu phong cảnh, sản vật của quê hương vừa tăng thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu mỗi nông dân là một “thương nhân” trên “không gian mạng”.

Nguyễn Mai