Vở hài kịch "Quan thanh tra": Tiếng cười phê phán sắc sảo
Văn hóa - Ngày đăng : 06:45, 19/01/2016
"Quan thanh tra" nằm trong bộ "100 kiệt tác sân khấu thế giới" đang được Bộ VH,TT&DL kết hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phân bổ đến các đơn vị nghệ thuật dàn dựng phục vụ khán giả. Đã có rất nhiều phiên bản từ sân khấu đến điện ảnh trên thế giới gây tiếng vang sau khi ra mắt. Ở Việt Nam, năm 2011, Nhà hát Chèo Hà Nội dựng vở "Quan lớn về làng" đã tạo ra "cơn mưa vàng" trong liên hoan sân khấu chèo toàn quốc cùng năm đó, đồng thời mỗi lần tái diễn đều gây "sốt" vé. Và nay, Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng dưới dạng hài kịch, cũng được sự mong đợi không kém.
Một cảnh trong vở hài kịch “Quan thanh tra”. |
Vở "Quan thanh tra" được Gogol viết dựa theo gợi ý của Đại văn hào Pushkin - bậc tiền bối của ông. Câu chuyện về tay công chức quèn hết tiền, lang thang đến một thị trấn miền Nam và bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg đi thị sát. Đám quan lại ở đây, vốn là những kẻ bất tài, tham quyền, cậy chức, sách nhiễu dân chúng, từ thị trưởng, chánh án, viện trưởng tế bần, nhà kiểm học, chủ sự bưu vụ cho đến các bộ phận giúp việc cho quan... đều tỏ ra kinh hãi. Họ tìm mọi cách để tiếp cận "quan thanh tra", mua chuộc, hối lộ. Họ còn tranh thủ nói xấu, tố cáo nhau để tâng công. Thậm chí viên thị trưởng, không chỉ mua chuộc bằng tiền mà còn dâng cả vợ và con gái cho "quan thanh tra" để được lên vị trí cao hơn... Tác phẩm với sự châm biếm, phê phán, chế giễu những thói hư, tật xấu của nhiều tầng lớp trong xã hội. Và là kịch kinh điển, đương nhiên không dễ dàn dựng được một phiên bản ghi dấu ấn.
Khác với vở chèo là sự phóng tác, Việt hóa hoàn toàn, "Quan thanh tra" của đạo diễn Chí Trung chọn cách bám sát kịch bản gốc. Từ tên nhân vật, lời thoại (của biên dịch Vũ Đức Phúc), cử chỉ, tác phong, các tình huống cho đến thiết kế sân khấu và âm nhạc đều đậm chất Nga gần hai thế kỷ trước. Nhưng hay là ở chỗ người ngồi xem không cảm thấy cách biệt dù về không gian hay thời gian. Bởi Chí Trung đã gia giảm thêm ngôn ngữ hài hước đời thường gần gũi với người Việt ngày nay vào vở kịch, chúng tạo không ít tiếng cười cho người xem. Mỗi nhân vật được ví như một con chuột, đều được "đeo" một vài tật xấu đặc trưng duy trì xuyên suốt vở kịch. Như thị trưởng thì "mỗi năm tổ chức 6-7 cái sinh nhật, vinh hiển kéo nhiều đời, họ hàng đều giàu có, ánh mặt trời mờ tỏ, là cơ hội kiếm ăn…", vợ thị trưởng mê trai, cô con gái hắn thì béo ú, viên chánh án thì bị ngắn lưỡi, viện trưởng tế bần lắp ba lắp bắp, nhà kiểm học cất giọng lên là mai mái, cảnh sát trưởng bé tí teo, nghe tiếng nói lớn là ngất, đám giúp việc thì hậu đậu… Thêm vào đó, đạo diễn tạo cho vở kịch một tiết tấu tốt - chậm chạp, nhanh dần, mạnh và bùng nổ ở đoạn cuối, khiến ấn tượng về từng nhân vật in vào người xem, khi ra về vẫn hào hứng bàn tán. Những Anh Tuấn (vai thị trưởng Anton), Vân Dung (vai Anna, vợ thị trưởng), Chí Huy (vai "quan thanh tra" Ivan), Diệu Hoa (vai Maria con gái thị trưởng), Quân Anh - Tuấn Anh vai cặp đôi giúp việc Ivan, rồi Quỳnh Dương, Quang Ánh, Ngọc Tuấn… đều thể hiện duyên hài, chắc chắn đây là một dấu ấn trong nghiệp diễn của họ.
Tiếng cười của kịch Bắc, đặc biệt là kịch Nhà hát Tuổi trẻ dưới sự dàn dựng của NSƯT Chí Trung thường mang tính chế giễu, châm biếm cao, cười đấy mà "cay" đấy, để lại nhiều suy ngẫm về sau. Cho nên khi gặp kịch bản đậm chất như của Gogol này thì càng bùng phát sức cuốn hút. Người xem được chứng kiến một xã hội đa diện nhưng lại chung một điểm lố, mỗi người tự biến mình thành trò cười, thành nạn nhân chính bởi thói xấu của mình. Soi vào xã hội đương thời, hẳn có nhiều điều nhắc gợi.
Một chút tiếc cho sân khấu hơi đơn điệu, chỉ quanh quẩn không gian nhà trọ và tư gia của thị trưởng. Những cảnh diễn đông người nhốn nháo thiếu sự nghiêm túc vào vai. Tuy nhiên, đây là một vở hài kịch kinh điển dài 2 tiếng vui nhộn và sắc sảo.
Tác phẩm sẽ chính thức ra mắt công chúng sau tết Nguyên đán.