“Gã tép riu” (Tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, NXB Hội Nhà văn)

Sách - Ngày đăng : 06:07, 18/01/2016

(HNM) - Sau giải C dành cho


Trung thành với lối viết thế sự (Trần Đăng Khoa gọi là "thời sự"), nhiều đoạn là tự sự, mang sự từng trải, khả năng chiêm nghiệm nhiều khi là của bản thân ra kể, nhà văn xây dựng phong cách riêng, thể hiện sức hấp dẫn riêng. Nhiều nhân vật, sự kiện làm ta cảm thấy như đã xuất hiện đâu đó quanh mình, như có quen biết chút ít. Đó có thể coi là điểm cộng đầu tiên của "Gã tép riu".


Chuyện xoay quanh một "hạt nhân xã hội" và những mối quan hệ của họ. Nhà báo Tùng, sau làm "trưởng phòng của sở", ham học hỏi, có lương tri, luôn đương đầu với những "tréo ngoe" do sự dốt nát, lòng tham hoặc kiểu nghĩ duy ý chí thường gặp trong công việc. Ngược với chồng, cô cán bộ đoàn Diệu Thủy không đọc sách, trí tuệ tầm tầm nhưng khôn vặt, có chút nhan sắc, được một "đấng bậc" nâng đỡ nên thăng tiến ầm ầm. Hai tính cách khác hẳn, những nghịch ngược thể hiện trong các mối quan hệ xã hội đến giường ngủ... Mâu thuẫn giữa hai cá thể mang đến một vấn đề rộng lớn, liên quan tới quan niệm xã hội thế nào là thành đạt, thế nào là nhân phẩm. Phiên tòa xử cho cặp đôi được ly dị - điều tất yếu, không thể tránh khỏi - kết thúc truyện, để lại những ngẫm ngợi ngổn ngang.

Không thể không ngổn ngang vì qua nhiều tình huống, Nguyễn Bắc Sơn đặt người đọc vào trạng thái phân thân, đứng ở vị trí này phán xét thì mâu thuẫn hẳn với khi đặt mình vào vị trí khác. Quyền lực, vị trí cao, bằng cấp lấp lánh là cái có thực, rất hấp dẫn, trong khi lương tâm, lý trí sáng suốt chỉ bé mọn, chả có tác dụng trang trí, dễ biến người ta thành tép riu, đối đầu. Sự thăng tiến của Thủy, sự "xuống cấp" của Tùng được diễn tả tỉ mỉ trong một tiến trình, cả ở nơi công sở lẫn "góc đực cái" riêng tư. Không né tránh chữ "dâm", nhà văn nghiệt ngã vạch vòi những đòi hỏi của bản năng tính dục, coi đó là một phần phải có của cuộc sống. Những triết lý, câu cãi trước tòa của Tùng làm người đọc phải nghĩ khác về những cô gái bán dâm và thân phận, phẩm giá của họ. Có những chi tiết quá bình thường mà động chạm đến sự quái đản, phơi trần mục đích thực dụng đằng sau sự kính tín tín ngưỡng. Khó thay cái việc nhận chân đâu là sang - hèn, giả - thực, tốt - xấu…, đó là sự bứt rứt mà tiểu thuyết để lại.

Ngồn ngộn sự kiện, vốn sống, "Gã tép riu" hấp dẫn đến khúc cuối. Phiên tòa ly dị là kết cục dễ đoán nhưng thật khó dứt khỏi sự dẫn dắt của tác giả. Gần hiện thực đến tỉ mỉ, cụ thể mà ít khi lui ra để khắc chạm tính cách, chọn lựa sự kiện, lối viết này cũng hạn chế phần tự suy nghĩ, cảm nhận của người đọc - một quá trình rất nên diễn ra. Có cảm giác tác giả kể quá kỹ, như là sợ không được hiểu đúng ý mình. Đối thoại của công chức sinh động nhưng sang phần "giang hồ" lại cứng cáp thế nào.

Nhưng mỗi người mỗi tạng viết. Cái chính là ở nội dung. Được "sống lại" với những gì gần mình, mình hằng nghe hằng biết là điều thú vị mà "Gã tép riu" mang lại.

Hoàng Định