Xử lý vi phạm sử dụng đất đai ven sông làm bãi chứa cát: Trên nóng, dưới nguội!
Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 18/01/2016
Trên địa bàn thành phố hiện có 211 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven Sông Hồng, Sông Đuống, Sông Công thuộc địa bàn 16 quận, huyện, thị xã, với tổng diện tích khoảng 200ha. Qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện 163 bãi, với diện tích khoảng 118ha đang hoạt động trái phép do lấn chiếm, vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất... Địa phương có nhiều bãi chứa trái phép là Bắc Từ Liêm với 27 bãi, Gia Lâm 27 bãi, Ba Vì 21 bãi, Đông Anh 15 bãi, Long Biên 14 bãi, Sơn Tây 12 bãi... Việc sử dụng bến bãi trái phép không chỉ vi phạm quy hoạch, quản lý đất đai, thất thoát nguồn thu ngân sách mà còn gây bức xúc trong nhân dân về thực hiện kỷ cương, thực thi pháp luật, vai trò quản lý của nhà nước…
Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng vi phạm sử dụng đất đai ven sông làm bãi chứa vật liệu. Ảnh: Mạnh Hà |
Trước tình hình này, ngày 20-11-2015, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ngành nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo những đối tượng có hành vi vi phạm, xử lý triệt để tình trạng khai thác cát, sử dụng bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép. Tuy nhiên, kết quả xử lý giữa các địa phương lại không đồng đều, nơi làm triệt để, nơi vẫn tồn tại vi phạm... Trong đó, quận Hoàng Mai đã đôn đốc các chủ bãi tự giải tỏa 2 bãi, thu hồi đất 2 bãi và yêu cầu 4 chủ bãi lập hồ sơ thuê đất. Huyện Thường Tín đã giải tỏa 5/7 bãi, đang tiếp tục giải tỏa 2 bãi còn lại. Huyện Phú Xuyên giải tỏa 1/4 bãi, đang giải tỏa 3 bãi còn lại. Huyện Phúc Thọ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tất cả bãi chứa trên địa bàn, hướng dẫn các đơn vị thực hiện thủ tục để thuê đất…
Bên cạnh đó, một số địa bàn có nhiều vi phạm nhưng công tác chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được tăng cường, như huyện Gia Lâm, Ba Vì, quận Long Biên, thị xã Sơn Tây... Đến nay, trên địa bàn thành phố mới có 18 tổ chức, cá nhân tự giải tỏa vật liệu xây dựng trên bãi, chấm dứt hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép. Hầu hết các địa phương chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính để giải tỏa, chấm dứt tình trạng hoạt động bãi chứa trái phép. Nhiều nơi để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan và kéo dài nhưng lãnh đạo cấp xã và cán bộ có trách nhiệm liên quan chưa bị xử lý nghiêm…
Để lập lại kỷ cương, xử lý triệt để vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, lập hồ sơ xử lý đối với toàn bộ các bãi chứa đang hoạt động trái phép; đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong thời hạn nhất định phải tự giải tỏa vật liệu xây dựng trên bãi và nếu không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế. Đối với bãi chứa vi phạm nhưng vị trí phù hợp quy hoạch thì chỉ được phép hoạt động sau khi chủ bãi hoàn thành việc giải tỏa, có quyết định thuê đất. Tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần với quy mô lớn thì chuyển cơ quan pháp luật để xử lý nghiêm minh. UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiên quyết xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra nhiều vi phạm và vi phạm kéo dài theo đúng chỉ thị của UBND thành phố về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công...
Ngoài ra, giao Sở Công thương kiểm tra và xử lý nghiêm việc kinh doanh tàng trữ cát không rõ nguồn gốc, do khai thác trái phép... Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; đồng thời, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong đó tập trung đấu giá bãi cát nổi lòng sông; phối hợp với các ngành Công an, Giao thông vận tải, NN&PTNT, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động khai thác khoáng sản, bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông…