Trông cậy niềm đam mê

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:15, 18/01/2016

(HNM) - Đã có nhiều người viết về cô, nhiều đoàn quay phim trong nước, nước ngoài tìm đến ngôi làng bên Sông Tích nghe cô kể chuyện, nhưng tôi vẫn muốn hiểu thêm nhiều hơn nữa về người phụ nữ có giọng hát mượt mà, bao năm vẫn song hành cùng chiếc xe đạp không rõ màu sơn ấy.

Huyền tích về một làn điệu…

Giống với nhiều làng quê trên đất cổ xứ Đoài, Liệp Tuyết chứa đựng nhiều huyền tích, trong đó phải kể đến xuất xứ đầy bí ẩn của làn điệu hát Dô, ngôi đền Khánh Xuân, cùng vô vàn truyền thuyết thực thực hư hư rất khó lý giải. Cũng bởi những truyền thuyết ấy mà kể từ buổi lập làng tới nay, Liệp Tuyết vẫn duy trì tục lệ không đâu có trên cả nước: 36 năm mở hội đền một lần. Cũng phải từng đó năm, điệu hát cổ mới được đem ra truyền dạy để diễn xướng cho lần duy nhất đó.

Hướng dẫn lớp trẻ học hát Dô tại xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai. Ảnh: Linh Ngọc


Chưa tính đến những tác động của thiên tai, chiến tranh, loạn lạc… chỉ cần hình dung khoảng thời gian đằng đẵng cũng đủ thấy những thách thức với người dân nơi đây trong việc gìn giữ, trao truyền điệu hát cổ là không đơn giản chút nào. Đời người 2 lần dự hội, 2 lần thưởng thức hát Dô, mấy ai có thể tường tận, ghi nhớ tất cả quy cách phục trang, lời ca, giai điệu, động tác… nhất là khi làng đã có lệ: "Sách hát đóng lại là kỵ nhắc tên, kể chuyện". Điệu hát cổ, vì thế, trong lịch sử đã có không ít lần chấp chới ngưỡng thất truyền hay hao hụt lời ca, nhịp phách. Lần rõ nhất là khoảng những năm 89, 90 của thế kỷ trước khi đã qua cả trăm năm, vì nhiều lý do, hội đền không được mở. Di tích văn hóa đền Khánh Xuân xuống cấp, nhiều hạng mục không còn nguyên vẹn. Sách hát Dô cũng vì thế mà tứ tán, thất lạc. Những bạn nàng, con hát cuối cùng của hội Dô năm xưa chẳng còn lại mấy người và đều đã ở tuổi "xưa nay hiếm".

Thực tế ảm đạm cộng thêm sự ràng buộc của lời nguyền, những tưởng điệu hát cổ cứ thế lặng lẽ mất đi như lớp người già trong làng, nhưng không phải vậy! Xót xa trước nguy cơ thất truyền di sản cha ông để lại, cô Nguyễn Thị Lan (khi đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liệp Tuyết) đã tìm đến các cụ nghệ nhân xin cho chép lời, học điệu. Việc cô Lan, một phụ nữ tự ý tìm học hát Dô, thậm chí lôi kéo các bạn trẻ tham gia thời điểm ấy giống như chuyện động trời nên nhanh chóng loang ra khắp xã. "Nhà có con trẻ là giữ rịt. Người hiền trách khéo. Người khó chửi đổng, thôi thì đủ cả. Những khi ấy, tôi chỉ biết tin vào giá trị của hát Dô đối với đời sống, cái tâm, ý nghĩa việc mình làm; cộng thêm sự khích lệ, ủng hộ của cán bộ văn hóa mà kiên trì, vững tâm theo đuổi" - cô Lan nhớ lại.

Người ta bảo mưa dầm thấm lâu, câu này đúng với trường hợp cô Lan những năm tháng đầu vừa học hát, vừa vận động người dân cho con em mình tham gia giữ gìn vốn cổ. Cô kể: "Một mặt, người ta thấy tôi vẫn ngày đêm học hát, dạy hát mà… không sao cả. Mặt khác, sau khi chịu nghe tôi nói chuyện, tường tận những nguy cơ mất gốc hát Dô, nếu cứ nhất định đóng sách lại thì sẽ mai một và nhất là, chứng kiến sự trân trọng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam dành cho làn điệu quê mình, người làng xã đã bắt đầu có cái nhìn thiện cảm hơn với việc tôi làm". Sự đồng thuận của nhân dân địa phương đã từng bước tạo đà cho hát Dô trở lại. Lớp học hát đông dần lên. Các nghệ nhân trong làng, dù tuổi già sức yếu, vẫn nỗ lực giúp cô tập hợp những ca khúc cổ. May mắn hơn, cũng trong thời gian này, sách thờ lưu giữ hát Dô, thất lạc bấy nay được tìm thấy. Người dịch thuật được mời về. Chẳng mấy chốc, làn điệu cổ hiện ra nguyên vẹn với các thể loại: Hát Thờ, hát Chúc, hát múa Bỏ bộ. Dưới sự chỉ dạy của các nghệ nhân, việc nhắc nhớ giai điệu, hệ thống bài hát trở nên thuận hơn bao giờ hết. Điều này càng đáng quý hơn khi chỉ ít lâu sau đó, các cụ đều lần lượt qua đời do tuổi cao, sức yếu.

Nỗi niềm nghệ nhân

Kể từ thời điểm làn điệu hát Dô được khôi phục (năm 1990) cho đến nay, hầu như năm nào, cô Lan cũng cần mẫn mở lớp, tìm người dạy hát. "Lúc này việc tìm người tới lớp không còn nan giải nữa". Cô khoe: "Sau vài buổi học, hầu hết các thành viên đều tỏ ra hào hứng. Nhiều cháu bày tỏ sự yêu thích đặc biệt với một vài làn điệu, câu ca. Điều này khiến tôi thực sự xúc động bởi đây không chỉ là ý thức, tình cảm của các bạn nàng mới mà còn đến từ chính sức hấp dẫn của điệu hát nữa".

Đúng như những gì cô Lan bày tỏ, điệu hát Dô cổ truyền, sau khi được khôi phục, đã có sự lan tỏa mạnh mẽ. Tiếng về điệu hát cổ truyền với ca từ sâu sắc, giai điệu độc đáo đã khiến nhiều đoàn nghiên cứu, đoàn làm phim tìm về địa phương xin ghi hình, lưu tư liệu. Nhiều diễn viên, ca sĩ các đoàn nghệ thuật hào hứng tìm lời, học nhạc để sở hữu một vài ca khúc hát Dô, như "Muỗi đốt tí tung", "Trúc trúc, mai mai", "Mở quạt"… Tiếng vang từ điệu hát cổ truyền, người dân Liệp Tuyết tự hào không giấu nổi. Mỗi khi có đoàn quay phim tìm về, người ta lại hò nhau thu xếp công việc để đi xem hát. Tình cảm này tiếp tục trở thành nguồn động viên, khích lệ các thành viên trong đội tận tâm hơn nữa với hát Dô.

Vui với sự hồi sinh của hát Dô cũng như sự đón nhận tích cực của cộng đồng, song cô Lan cũng có không ít lo lắng, trăn trở cho tương lai di sản. Bởi lẽ, dù được đánh giá cao nhưng việc bảo tồn, gìn giữ hát Dô dường như vẫn chỉ trông vào sự nhiệt tình, say mê của các thành viên trong đội. Một đôi lần nhận được tài trợ từ Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Quỹ Ford, còn lại các lớp học được tổ chức trong hơn chục năm qua đều dựa vào tâm huyết của cô và trò. Nhiều lần chứng kiến đội miệt mài tập luyện, cán bộ xã cũng khích lệ: "Thôi cô cháu cố gắng rồi sẽ có bồi dưỡng". "Lần đầu là 5 nghìn/người/buổi tập. Sau các anh ấy tăng lên 7 nghìn, rồi 10 nghìn đồng" - cô Lan nhớ lại: "Nhưng cũng bởi địa phương còn nghèo, ngân sách eo hẹp trong khi có nhiều việc phải làm nên dù không muốn, xã cũng hứa rồi đành… bỏ đó". Không có hỗ trợ, không ít lần cô Lan bỏ tiền túi cho các bạn nàng bồi dưỡng. "Chả nhiều nhặn gì đâu, chỉ là bát bún cho các cháu lót dạ, nhưng không có vậy, mình cứ thấy không đành".

Giống với nhiều nghệ nhân dân gian trên cả nước, cuộc sống của nghệ nhân hát Dô Nguyễn Thị Lan không dư dả (thu nhập dựa cả vào hơn triệu đồng tiền lương hưu và công việc đồng áng) song không vì thế đam mê, tâm huyết với nghệ thuật dân gian trong cô nguội lạnh. Hằng ngày, cô vẫn đau đáu với niềm yêu di sản, lo lắng trước nguy cơ vốn văn hóa cổ bị mai một, nhất là khi dù say mê, nhưng nhiều thành viên trong đội vẫn phải nhấp nhổm, lo lắng cho cuộc sống hằng ngày. Mỗi năm một lớp hát Dô, kéo dài trong 2-3 tháng để vừa ôn luyện, vừa hướng dẫn người mới, dăm ba lần tham gia các buổi biểu diễn, hội thi là bằng đó lần, cô trò lại động viên nhau, vì đam mê của bản thân, vì trách nhiệm gìn giữ di sản mà cố gắng. "Được đắm mình trong điệu hát Dô, chứng kiến các em, các cháu say sưa ca hát là niềm hạnh phúc không phải ai cũng hiểu". Cô Lan chia sẻ thêm: "Nhiều người thấy tôi đắm đuối vì hát Dô quá, cũng sinh lạ, hỏi là đi hát được nhiều tiền không mà ham thế? Những lúc như thế tôi đành trả lời cho qua chuyện "dạ, cũng được hơn triệu!" cho người ta đỡ quở"...

Thanh Thủy