Đưa điện về nông thôn, hải đảo: Khẳng định vai trò và trách nhiệm
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:49, 17/01/2016
Về đích trước 1 năm
Tính đến cuối năm 2015, trên cả nước số xã có điện đạt 99,8% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76% (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015 đạt 98%). Tỷ lệ có điện tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn; Các tỉnh Tây Nguyên đã đạt tương ứng là 99,83% số xã và 95,8% số hộ dân; Khu vực Tây Nam bộ là 98,85% số xã và 97,27% số hộ dân. Hầu hết các xã biên giới đã có điện, góp phần vào công tác định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.
EVN đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp các hộ dân với mục đích để người dân nông thôn được hưởng lợi ích chính sách ưu đãi giá điện của Chính phủ. Giai đoạn 2011-2015 đã tiếp nhận tại 1.524 xã với trên 1,95 triệu hộ dân nông thôn. Tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn theo tiêu chí số 4 của Chương trình nông thôn mới; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cho 21 tỉnh được giao trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013).
EVN đảm nhận cấp điện cho 9/12 huyện đảo gồm: đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang); Phú Quý (Bình Thuận); Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Các huyện đảo, xã đảo có vị trí chiến lược trên biển (như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải), được EVN đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo để cấp điện ổn định cho nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Hiện tại, đang tiếp tục triển khai cấp điện từ HTĐ quốc gia cho một số xã đảo tỉnh Kiên Giang, Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Bên cạnh đó, từ năm 2011, EVN thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho trên 2,3 triệu hộ dân thuộc đối tuợng hộ nghèo và hộ thu nhập thấp; tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đem lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu hộ dân nông thôn do được sử dụng điện đúng mức giá theo quy định của Chính phủ. Tổng hợp đến hết năm 2015, các Tổng Công ty Điện lực đã bán điện trực tiếp đến 89,1% số xã có điện trên cả nước (8.038/9.020 xã), với 88,7% số hộ nông thôn (14,85/16,75 triệu hộ).
Các dự án cấp điện cho bà con dân tộc tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 được EVN bố trí đủ vốn để đảm bảo tiến độ hoàn thành, đã cấp điện tới hàng nghìn thôn bản, phum sóc đưa tỷ lệ sử dụng điện đồng bào Khmer khu vực Tây Nam Bộ đạt trên 90%; đồng bào dân tộc khu vực Tây Bắc đạt trên 85%; hỗ trợ thêm gần 900 tỷ đồng cho công tác di dân tái định cư tại các dự án nguồn điện. Năm 2016 dự kiến tiếp tục hỗ trợ thêm 181 tỷ đồng.
EVN và các đơn vị đã tham gia tích cực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tính đến cuối năm 2015, 6.016 xã trên toàn quốc (chiếm 66,6% tổng số xã) đã đạt tiêu chí số 4 của Chương trình nông thôn mới. Với thành tích nêu trên EVN đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
Vì sự phát triển cộng đồng
Chương trình Hỗ trợ 03 huyện nghèo Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ tỉnh Lai Châu theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được EVN thực hiện từ năm 2009, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững của 03 huyện, chương trình hỗ trợ của EVN tập trung vào 2 mục tiêu chính là: Giảm hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia xuống mức 15%-30% so với yêu cầu ngang bằng với mức trung bình của tỉnh. Đến năm 2010 không còn nhà tạm; phấn đấu 100% xã có điện và đến cuối năm 2015 có trên 90% hộ dân có điện, đến năm 2020 cơ bản 100% hộ dân có điện sử dụng.
Tập trung vào thế mạnh của mình là cung cấp điện cho các hộ dân làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo và một số hỗ trợ khác, EVN tập trung vào việc xây dựng mạng lưới điện cho các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có điện; xóa nhà tạm; xây dựng trung tâm đào tạo nghề, trường học nội trú, xây dựng “Nhà bán trú dân nuôi”; đào tạo cho các sinh viên được cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường, đào tạo khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình sản xuất, cùng các hỗ trợ khác như: Đồ dùng học tập, sách vở, quẩn áo, mua bảo hiểm y tế.....
EVN sử dụng tổng vốn đầu tư trên 450 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ đầu tư lưới điện nông thôn bằng các dự án: Năng lượng nông thôn II sử dụng vốn vay WB, Dự án Phát triển Năng lượng tái tạo và mở rộng cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa sử dụng vốn vay ADB và Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Lai Châu để cấp điện cho 18 xã trắng chưa có điện, các thôn bản, hộ dân chưa có điện tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ. Hỗ trợ bình quân 3 triệu đồng/hộ để đấu nối sau công tơ và cấp cho mỗi hộ 01 ổ điện, 01 bóng đèn compact. Đến nay đã cung cấp điện cho 100% xã và 92,5% số hộ dân có điện sử dụng. Như vậy, EVN đã hoàn thành vượt mục tiêu so với cam kết hỗ trợ 100% xã có điện và trên 90% hộ dân có điện vào năm 2015.
Cùng với Chương trình 167 của Chính phủ, hỗ trợ xây dựng được 01 căn nhà có đủ 3 yếu tố “nền cứng, khung cứng và mái cứng”, EVN đã thực hiện hỗ trợ để xây dựng được 1 căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu là 24m2, tuổi thọ 10 năm trở lên với chi phí bình quân khoảng 40 triệu đồng/nhà cho 16 hộ thuộc diện chính sách và hỗ trợ 05 triệu đồng/hộ cho 1.400 hộ dân cần xóa nhà tạm. Kết thúc năm 2010, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành việc xóa nhà tạm theo Chương trình 167 của Chính phủ với sự đóng góp của EVN.
Do địa bàn các xã miền núi rất rộng việc đi lại của các cháu rất khó khăn đặc biệt trong mùa mưa lũ, mùa đông, qua đó để đảm bảo điều kiện học tập cho các con em đồng bào dân tộc, EVN cam kết hỗ trợ xây dựng 43 “nhà bán trú dân nuôi” tại các trường do UBND tỉnh lựa chọn. Đến nay đã hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng toàn bộ nhà bán trú dân nuôi như cám kết.
Bên cạnh đó, EVN đã mở 03 lớp đào tạo nghề cho tổng số 59 học sinh là con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ văn hoá theo học cao đẳng, trung cấp nghề theo hình thức cử tuyển đối với các ngành nghề phù hợp được tuyển dụng sau đào tạo. Trong đó, đã hoàn thành đào tạo cho 23 học viên hệ cao đẳng nghề điện khóa 2010-2013 và đã tiếp nhận các học sinh tốt nghiệp về công tác tại các đơn vị trong ngành; hoàn thành khóa đào tạo cao đẳng nghề điện (2012-2015) cho 24 học viên và đang thực hiện đào tạo cao đẳng nghề điện khoá 2014-2017 (thời gian đào tạo 3 năm) cho 12 học viên; hỗ trợ xây dựng 2 trường học tại huyện Tân Uyên, với tổng kinh phí 18 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thành xây dựng 01 trường dân tộc nội trú tại thị trấn Tân Uyên với giá trị 15 tỷ đồng và 01 trường PTDT bán trú THCS xã Nậm Sỏ với giá trị 03 tỷ đồng.
Để cung cấp các kiến thức cho các hộ dân phát triển sản xuất EVN đã đào tạo khuyến lâm khuyến nông thí điểm 01 lớp 25 học viên; hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp giúp các hộ dân phát triển sản xuất hộ gia đình, giảm nghèo nhanh và bền vững để 03 huyện triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp, với tổng với kinh phí 9,5 tỷ đồng cho 19 mô hình sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ chính, EVN triển khai các hoạt động hỗ trợ về y tế, ủng hộ các đồ dùng thiết yếu cho các em học sinh bán trú và hỗ trợ sửa chữa, hướng dẫn các hộ dân nghèo, hộ dân tộc các hộ dân tái định cư sử dụng điện an toàn, tiết kiệm….; mua Bảo hiểm y tế cho 4.278 học sinh trong 3 năm học từ 2009-2011.
Trong năm 2015, triển khai chương trình cấp cho các hộ dân chưa có điện sống tại các khu vực vùng sâu, vùng xa hẻo lánh không có khả năng cấp điện bằng lưới điện quốc gia bằng thiết bị xe đạp phát điện. Chương trình thực hiện thí điểm cấp cho 51 hộ dân chưa có điện tại 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ. Mỗi hộ dân được cấp 1 chiếc xe đạp phát điện, 2 bóng đèn tiết kiệm điện và 1 đài FM (loại nhỏ). Với thiết bị xe đạp phát điện, các hộ dân có thể sử dụng điện cho chiếu sáng và nghe đài để phục vụ mục đích sinh hoạt, nghe đài tiếp cận thông tin chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước và các nội dung hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo trong giai đoạn 2009 đến 2014, toàn tỉnh có 32.948 hộ thoát nghèo. Trong đó, 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ do EVN hỗ trợ đã có 16.098 hộ thoát nghèo (chiếm gần 50% số hộ thoát nghèo của toàn tỉnh Lai Châu). Trong giai đoạn 2009 – 2014, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình hàng năm 5,84%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ giảm 6,76%/năm vượt chỉ tiêu Nghị quyết 30a đề ra (bình quân giảm 5%/năm).