Nửa thế kỷ khảo cổ Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 08:13, 11/10/2004
Các chuyên gia nhân chủng học nghiên cứu, xử lý di cốt ở hố B19 Khu di tích Hoàng thành
Năm 1959, kho mũi tên đồng vào loại lớn thời cổ đại được lấy lên từ lòng đất Cổ Loa, cố đô của An Dương Vương. Tháng 12-1962 di chỉ khảo cổ học (KCH) Văn Điển với diện tích hàng vạn mét vuông lần đầu tiên được khai quật, chứng tỏ người Việt cổ đã cư trú từ cách đây khoảng 4000 năm. Những năm60, 70, 80, 90 thế kỷ trước hàng loạt địa điểm được khai quật và nghiên cứu. Trong 50 năm qua các nhà KCH đã phát hiện nhiều di tích nối tiếp nhau, hình thành một chuỗi lịch sử liên tục từ đầu thời đạiĐồng đến đầu thời đại Sắt suốt hai thiên niên kỷ trước Công nguyên. Diễn biến văn hóa và lịch sử ở lưu vực sông Hồng Hà Nội cổ từ thấp đến cao được phác họa.
Giai đoạn Phùng Nguyên,đầu thời đại Đồng thau, cách đây khoảng 4000 - 3500 năm, với các di chỉ Đồng Vông (Đông Anh), Triều Khúc, Văn Điển (Thanh Trì), Ngõa Long (Từ Liêm), An Tàng (Sóc Sơn), Quần Ngựa (Ba Đình), ven hồ Bảy Mẫu (Hai Bà Trưng).
Giai đoạn Đồng Đậu,giữa thời đại Đồng thau khoảng 3500 - 3000 năm. Cụ thể là các địa điểm Tiên Hội, Bãi Mèn, Đình Chàng lớp dưới (Đông Anh).
Giai đoạn Gò Mun -Cuối thời đại Đồng thau, cách đây khoảng 3000 năm. Cụ thể là di chỉ Đình Chàng (Đông Anh), gò Chùa Thông (lớp dưới, Thanh Trì), Trung Màu (lớp dưới, Gia Lâm).
Giai đoạn Đông Sơn,đầu thời đại đồ sắt, giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến đầu Công nguyên. Các di tích của giai đoạn này gồm Hữu Châu, gòChùa Thông (lớp trên, Thanh Trì), Trung Mầu (lớp trên và mộ), Đa Tốn (Gia Lâm), Đình Chàng lớp trên và mộ, Đường Mây (Đông Anh).
Đấy là toàn bộ các di tích thời Đồng - Sắt ở Hà Nội đã phát hiện trong nửa thế kỷ qua. ở đó, giới KCH sưu tầm được nhiều di vật, tiêu biểu là công cụ sản xuất. Đặc biệt, năm 1982, ngay tại trung tâm thành Cổ Loa đã phát hiện được hơn 200 hiện vật chứa trong chiếc trống đồng Cổ Loa, mấy chục chiếc lưỡi cày đồng loại lớn nhất nước ta thời Đồng - Sắt. ở gò Chùa Thông tìm được chiếc liềm bằng đồng, một trong hai chiếc liềm thời Đồng - Sắt ở nước ta.
Bên cạnh các loại công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, vũ khí, thời kỳ này cũng phát hiện được một số tượng nghệ thuật quý hiếm bằng đá. Đó là tượng một người đàn ông ở Văn Điển, làm bằng đá quắc-dít, hạt mịn, mài nhẵn bóng. ở Đình Chàng năm 1971 tìm thấy một tượng đầu trâu làm bằng đá nê-phrit màu xanh nhạt.
Trống đồng cổ cũng là sưu tập hiện vật rất quý của Hà Nội. Riêng trống Đông Sơn - loại trống cổ quý giá nhất, Hà Nội cũng có tới hơn chục chiếc, quý nhất là trống Cổ Loa.
Nhiều mộ cổ thời đầu đồ Sắt và thời Bắc thuộc được khai quật quanh khu vực Cổ Loa, Cổ Bi, mộ thuyền dưới lòng sông Tô (Yên Hòa, Cầu Giấy) và Nguyệt áng (Thanh Trì) được khai quật. Các mộ hợp chất (hay mộ xác ướp) thời Hậu Lê cũng được khai quật tại Dịch Vọng, Quảng Bá, Dương Xá, Đặng Xá, Ninh Hiệp, Ngọc Hồi, Kim Giang.
Khảo cổ học lịch sử về thời phong kiến cũng được phát hiện và nghiên cứu kỹ. Một số đồ gốm sứ tìm được khi xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xương voi ở Ba Đình, đạn đá ở gần gò Đống Đa, gần cửa ô Tây Luông xưa (phố Trần Nguyên Hãn, Hoàn Kiếm), hàng tạ tiền cổ từ thời Lê sơ đến thời Nguyễn. Một sưu tập vũ khí bằng sắt được phát hiện tại khu Giảng Võ trường xưa (hồ Ngọc Khánh, Ba Đình). Di vật quý thời Tây Sơn có thanh kiếm sắt ở Đại áng do trai tráng làng này tham gia đánh trận Ngọc Hồi, Đống Đa năm 1789; lệnh chỉ của vua Quang Trung mở cống Thanh Trì và chiếc trống đồng Phù Ninh có niên hiệu “Cảnh Thịnh bát niên” (1801).
Về thành Thăng Long, từ những năm 1960 đã có một số ý kiến nghiên cứu vị trí và quy mô. Nhưng do tư liệu khảo cổ còn ít, kiến giải đưa ra chủ yếu dựa vào văn tự, mang nặng tính giả thuyết.
Từ những năm 1970, 1980 một số cuộc khai quật thăm dò ở Ngọc Hà, Quần Ngựa chỉ tìm được một số mảnh gốm sứ, tiền đồng cổ.
Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, Viện Khảo cổ phối hợp với Sở VH-TT khai quật thăm dò một số địa điểm trong và ngoài Thành cổ như: Hậu Lâu, Trung tâm Hội nghị quốc tế, Bắc Môn, Văn Miếu,Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền đãtìm được vết tích kiến trúc xây thành và nhiều di vật gốm sứ từ thời Lý, Trần, Lê đến Nguyễn. Nhưng cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long năm 2003 là cuộc khai quật quy mô nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh các hiện vật khai quật trong lòng đất, Hà Nội còn sưu tầm nhiều hiện vật trên mặt đất. 7000 hiện vật của Bảo tàng Hà Nội còn có những sưu tập quý như: Gốm sứ Lý, Trần, Lê, Nguyễn; đồ gỗ thế kỷ XIX, XX; tiền đồng thời phong kiến.
Nhìn lại nửa thế kỷ nghiên cứu và sưu tầm khảo cổ, các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu đã làm được nhiều việc cho Thăng Long - Hà Nội. Chúng ta tự hào về Thủ đô nghìn tuổi. Nhưng rất tiếc, đã nửa thế kỷ trôi qua, mặc dầu với khối hiện vật đồ sộ, một đội ngũ đông đảo các chuyên gia đầu ngành, chúng ta chưa xây dựng được nhà bảo tàng cho Thăng Long - Hà Nội. Các sưu tập quý giá của Hà Nội vẫn phải “đi ở trọ” tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; chùa Hưng Ký và 48 Hàng Ngang. Hiện nay nhiều hiện vật đang xuống cấp. Theo kế hoạch của Bộ VHTT, đến năm 2005, 100% các tỉnh sẽ có nhà bảo tàng. Chỉ còn hơn một năm nữa chỉ tiêu trên đối với Hà Nội xem ra khó thực hiện. Mong rằng trước khi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mong ước ấy sẽ trở thành hiện thực.
HNM