Hàng hiệu lao đao theo kinh tế Trung Quốc

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:52, 17/01/2016

(HNM) - Sau gần ba thập niên tăng trưởng ở mức hai con số, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và tác động mạnh tới phần còn lại của thế giới.

Trong đó, một mảng thị trường lớn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng hằng năm của kinh tế thế giới đang chao đảo do những tác động không mong muốn từ sự chững lại của kinh tế Trung Quốc, đó là sự suy giảm doanh thu của các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng.


Nếu hỏi các nhà bán lẻ những thương hiệu hạng sang thế giới đâu là nguồn khách hàng giá trị nhất của họ, hầu hết đều trả lời là Trung Quốc. Giai đoạn hậu khủng hoảng 2008 không phải dễ dàng với các thương hiệu xa xỉ ở Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung, nhưng sức tiêu dùng của người Trung Quốc khi đó lại không hề suy giảm. Nắm bắt tâm lý này, việc mở rộng thị trường bán lẻ sang Châu Á, đặc biệt sang Trung Quốc là chiến lược của hầu hết thương hiệu nổi tiếng thế giới. Thế nhưng "mỏ vàng" này đang bắt đầu trở thành áp lực với các hãng thời trang hàng hiệu Châu Âu khi thời gian qua, xuất hiện một loạt tín hiệu không tốt từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ghi nhận của giới đầu tư cho thấy, thời gian qua thị trường hàng xa xỉ hàng nghìn tỷ USD toàn cầu bắt đầu cảm nhận được tác động của cơn bão giảm tốc kinh tế ở Trung Quốc. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Bain & Company mới đây, doanh thu bán hàng xa xỉ trên toàn cầu năm 2015 chỉ tăng trưởng 5% khi đạt trên 1 nghìn tỷ euro. Riêng doanh số bán hàng tại thị trường Châu Á có kết quả tồi tệ nhất từ trước đến nay do nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và doanh số sụt giảm mạnh ở hai thị trưởng Hong Kong và Macau (Trung Quốc). Những tác động trên là điều khó tránh khỏi khi Trung Quốc giữ vị trí thị trường tiêu thụ hàng hóa xa xỉ lớn nhất thế giới với 31%, trong khi Mỹ đóng góp 24% và Châu Âu đóng góp 18% vào doanh thu toàn cầu.

Tăng trưởng GDP năm 2015 của Trung Quốc là 6,9%, thấp hơn mức 7% mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đặt ra hồi đầu năm. Dự kiến năm nay 2016, GDP của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 6,5-6,7%. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm khiến người tiêu dùng dè sẻn hơn với những món hàng xa xỉ đắt tiền. Bên cạnh đó, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" chống tham nhũng của chính phủ nước này khiến nhu cầu biếu xén giảm mạnh.

Thực tế cho thấy, đồng nhân dân tệ mất giá kể từ sau các lần phá giá hồi tháng 8 năm ngoái cũng khiến du khách Trung Quốc đại lục không còn thoải mái mua sắm đồ hiệu ở thị trường Hong Kong, Macau nữa. Các nhà sản xuất hàng hóa cao cấp hàng đầu thế giới đang bắt đầu đóng cửa hàng của họ ở Trung Quốc. Cuối năm 2015, hãng thời trang Pháp Louis Vuitton công bố đóng cửa ba cửa hàng và sẽ tiếp tục vào năm nay và không chỉ Louis Vuitton mà các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại đây cũng đang phải loay hoay tìm chiến lược mới.

Đình Hiệp