Quyết liệt ngăn chặn nạn “nhập lậu” trâu, bò
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:20, 10/02/2023
Khó kiểm soát trâu, bò “nhập lậu”
Hà Nội là một trong những địa phương tiêu thụ thịt bò lớn nhất cả nước. Do năng lực sản xuất tại chỗ không đủ cho tiêu dùng, nên thành phố phải nhập một lượng lớn thịt bò từ các địa phương khác và nhập khẩu. Trong năm 2022, Hà Nội nhập 66.000 con bò thịt, trong đó có 2 nguồn nhập chính là từ Australia và các tỉnh, thành phố trong nước.
Toàn thành phố hiện nay có 83 cơ sở giết mổ trâu, bò với hơn 350 con trâu, bò được giết mổ mỗi ngày (trong đó huyện Phú Xuyên có 42 cơ sở). Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, các cơ quan chức năng mới kiểm soát được hoạt động giết mổ tại 32/83 cơ sở; sản lượng hơn 250 con/ngày (chiếm trên 70% sản lượng). Các cơ sở giết mổ trâu, bò nhỏ lẻ vẫn chiếm số lượng lớn, phương thức giết mổ thủ công; đa số các điểm giết mổ này đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động nên nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao.
Trước những thông tin về hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép bò nhập ngoại qua đường bộ, cùng với sự xuất hiện những mẫu thịt bò có nhiễm chất salbutamol - một chất cấm trong chăn nuôi, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho biết, thời gian qua, huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, lập 2 tổ kiểm tra các cơ sở giết mổ và các phương tiện vận chuyển trâu, bò và sản phẩm trâu, bò trên địa bàn. Theo đó, đã kiểm tra 12 cơ sở, xử lý 3 cơ sở vi phạm không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y…
Về vấn đề này, theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long, hiện nay nguồn cung thịt bò từ sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu của thị trường, phần còn lại phải nhập khẩu thịt bò thương phẩm hoặc bò nguyên con. Ngoài phần nhỏ nhập từ Mỹ, Australia, Brazil qua đường biển, số còn lại được nhập về Việt Nam qua đường bộ từ các nước lân cận với số lượng hàng trăm ngàn con mỗi năm. Sau khi vào nội địa, một số được chở thẳng đến lò mổ, số khác sẽ được đưa đi “vỗ béo” trước khi giết mổ. Phần lớn cơ sở giết mổ trâu, bò trên địa bàn cả nước nhỏ lẻ, việc giết mổ diễn ra vào ban đêm, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm.
Một thực tế khác là tại nhiều chợ, thịt trâu, bò đã được kiểm tra, kiểm soát hoặc không được kiểm tra, kiểm soát đều được tự do buôn bán như nhau, thiếu sự quản lý của cấp có thẩm quyền.
Kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm
Để kiểm soát tình trạng nhập lậu trâu, bò từ nước ngoài vào Việt Nam, bảo đảm nguồn cung an toàn cho thị trường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật trên địa bàn. Đồng thời, kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ trâu, bò vi phạm quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở NN&PTNT đã yêu cầu 7 chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố tăng cường kiểm tra sản phẩm động vật, động vật về nguồn gốc xuất xứ trước khi đưa vào Hà Nội tiêu thụ.
Còn Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long thông tin: Cục Thú y đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò; đồng thời tổ chức, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thú y triển khai giám sát dịch bệnh cũng như sử dụng chất cấm trên trâu, bò nhập khẩu và nghi nhập lậu vào Việt Nam. Theo đó, chú trọng kiểm tra lâm sàng, tổ chức kiểm tra nhanh việc sử dụng chất cấm đối với trâu, bò nhập khẩu, nếu có kết quả nghi ngờ hoặc dương tính, phải dừng ngay việc giết mổ và gửi mẫu để xét nghiệm làm căn cứ xử lý theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ đã có văn bản gửi cơ quan thú y các nước đề nghị các quốc gia có liên quan thông báo tình hình dịch bệnh, kiểm soát chất cấm dùng trong chăn nuôi. Nếu tình trạng trâu, bò “nhập lậu” không chấm dứt, Bộ sẽ có phương án dừng nhập khẩu gia súc từ quốc gia này vào Việt Nam.
Trước mắt, các địa phương cần kiểm soát chặt việc nhập khẩu trâu, bò qua đường tiểu ngạch để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Về lâu dài các tỉnh, thành phố cần quy hoạch điểm giết mổ tập trung để kiểm soát nguồn gốc trâu, bò trước khi đưa ra thị trường.