Giành huy chương Olympic 2016: Chưa có thêm cơ hội
Thể thao - Ngày đăng : 06:40, 17/01/2016
14/16 môn có cơ hội tham dự
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, thể thao Việt Nam có 16 môn tranh chấp vé tham dự Olympic 2016, gồm điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, taekwondo, xe đạp đường trường, bắn cung, boxing, vật tự do, rowing, cầu lông, bóng đá, bóng bàn. Trong số này, các VĐV cử tạ nam đã giành 3 vé, bắn súng giành 2 vé, bơi giành 1 vé dự Olympic 2016. Dù vậy, cả cử tạ, bắn súng, bơi vẫn còn cơ hội tăng số VĐV tham dự Olympic 2016 bởi các giải đấu loại vẫn chưa kết thúc.
Cũng trong 16 môn nói trên, ngay từ đầu bóng đá và bóng bàn đã được nhận định là khó giành vé. Đội tuyển Bóng đá nữ đã giành quyền dự vòng loại thứ 3 Olympic 2016 khu vực Châu Á nhưng sẽ gặp các đội mạnh hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Australia. Vì thế, Tổng cục TDTT chỉ đặt mục tiêu phấn đấu có thành tích tốt nhất so với thực lực của đội. Đội bóng đá nam đang dự giải vô địch U23 Châu Á, cũng là vòng loại Olympic 2016, hầu như không còn cơ hội khi vừa để thua ở trận ra quân trước U23 Jordan với tỷ số 1-3.
Thạch Kim Tuấn, niềm hy vọng của thể thao Việt Nam tại Olympic 2016. Ảnh: Minh Hoàng |
Vì vậy, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã đặt chỉ tiêu giành từ 15 đến 20 vé chính thức tham dự Olympic 2016 ở 11 đến 14 môn. Ngoài cử tạ, bắn súng, bơi, thể thao Việt Nam phấn đấu giành vé ở những môn như điền kinh, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, taekwondo, xe đạp đường trường, bắn cung, boxing, judo, vật tự do, rowing cầu lông. Trong đó, điền kinh, thể dục dụng cụ, rowing, cầu lông, taekwondo phấn đấu có 1-2 suất tham dự Olympic 2016, các môn còn lại chỉ phấn đấu giành 1 suất.
Vẫn chỉ trông vào cử tạ, bắn súng
Trong danh sách 16 môn nói trên, chỉ cử tạ và bắn súng đặt chỉ tiêu "phấn đấu có huy chương" tại Olympic 2016. Như vậy, 4 năm sau Olympic 2012, số môn có khả năng giành huy chương Olympic của thể thao Việt Nam vẫn không thay đổi. Ngay môn bơi, có sự xuất hiện của "hiện tượng" Nguyễn Thị Ánh Viên, cũng chỉ dám đặt mục tiêu lọt vào vòng thi chung kết của một nội dung tại Olympic 2016.
Cử tạ là môn "bền bỉ" nhất với mục tiêu đoạt huy chương Olympic. Từ trước năm 2008, môn này đã hướng đến tấm huy chương Olympic với gương mặt sáng giá lúc bấy giờ là Hoàng Anh Tuấn ở hạng 56kg nam. Từ đó đến nay, hạng cân 56kg nam vẫn luôn là thế mạnh, có thể tranh chấp huy chương Olympic của cử tạ Việt Nam. Hiện tại, cử tạ Việt Nam đang sở hữu Thạch Kim Tuấn - VĐV nằm trong tốp đầu thế giới ở hạng 56kg nam và mới đây có thêm Vương Thị Huyền cũng nằm trong nhóm đầu thế giới ở hạng cân 48kg của nữ. Ở môn bắn súng, từ nhiều năm nay, Hoàng Xuân Vinh vẫn là niềm hy vọng hàng đầu trong mục tiêu giành huy chương ở Olympic.
Thể thao Việt Nam có nhiều môn có thể giành vé dự Olympic 2016 nhưng đến lúc này mới chỉ có 2 môn và 3 VĐV đủ năng lực tranh huy chương Olympic 2016. Rõ ràng là trong 4 năm qua, thể thao Việt Nam chưa có được bước tiến đáng kể, đặc biệt là ở những môn có thể tranh chấp huy chương. Vì thế, mục tiêu có nhiều môn, nhiều VĐV có thể tranh huy chương Olympic trong những năm tới là điều cần hướng tới.