Nhân dân kỳ vọng Đại hội XII của Đảng sẽ mang lại luồng sinh khí mới, sức mạnh mới
Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 17/01/2016
TS Lê Văn Hoạt. |
- Thưa ông, mỗi kỳ đại hội Đảng đều là những dấu mốc quan trọng về sự phát triển của Đảng, của đất nước. Thông qua Đoàn đại biểu của TP Hà Nội dự Đại hội lần thứ XII của Đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng to lớn vào kỳ đại hội Đảng này như thế nào?
- Đó là sự kỳ vọng lớn lao và sâu sắc vào những quyết sách mà Đảng sẽ nêu ra trong Đại hội lịch sử này - Đại hội ghi dấu mốc trưởng thành của Đảng sau 30 năm đổi mới. Cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước mong muốn Đại hội và Nghị quyết Đại hội XII sẽ đem lại cho toàn Đảng, toàn dân ta luồng sinh khí mới, sức mạnh mới để đi tới những thành tựu mới trong sự nghiệp đổi mới.
- Ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhiệm kỳ 2011-2015?
- 5 năm qua, đặc biệt là những năm cuối của nhiệm kỳ 2011-2015, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tình hình an ninh chính trị thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm; cạnh tranh giữa các nước lớn và khu vực ngày càng quyết liệt; diễn biến phức tạp trên Biển Đông… đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với đó, tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hạn chế, khiếm khuyết vốn có của nền kinh tế chưa được giải quyết, những hạn chế trong lãnh đạo, quản lý và những vấn đề mới phát sinh đã làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng và đời sống nhân dân.
Đặt thành tựu thu được trong bối cảnh đó mới thấy hết ý nghĩa của từng con số. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tuy không bằng giai đoạn trước nhưng vẫn đạt gần 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát, giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 5% năm 2015, kinh tế vĩ mô dần ổn định, cán cân thương mại được cải thiện, dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước tới nay… Đây là những kết quả ấn tượng và rất đáng tự hào.
- Thưa ông, đâu là nguyên nhân để chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách, duy trì tăng trưởng kinh tế và phục hồi khá cao vào những năm cuối của nhiệm kỳ 2011-2015?
- Tôi cho rằng chúng ta đã làm khá tốt công tác quản lý và điều hành vĩ mô, đặc biệt là sự định hướng cho cả nhiệm kỳ. Cụ thể, tư tưởng, chủ trương chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương trong 5 năm qua là duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Từ ba trụ cột lớn này để giải quyết hài hòa các mối quan hệ, điều đó là rất trúng, rất đúng và mang lại hiệu quả lớn trên thực tế về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong cả nhiệm kỳ. Khi có định hướng tốt, chúng ta sẽ có các giải pháp tốt để triển khai thực hiện.
- Ông có thể phân tích sâu hơn về các vấn đề này?
- Tôi lấy ví dụ như việc duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Bắt đầu từ Đại hội XI, Đảng ta đã chủ trương chuyển đổi từ phát triển nhanh sang phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên là 3 đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Chủ trương này đã đạt được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây chính là sự đổi mới quan trọng trong tư duy phát triển của Đảng.
Một điểm nhấn rõ nét khác là triển khai thực hiện việc thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đầu tư công, cơ cấu lại các khoản chi… mà định hướng chính là đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển của đất nước trong tương lai. Vấn đề ở đây là cái gì cần chi, cần đầu tư cho sự phát triển chúng ta vẫn phải làm chứ không phải thực hiện cắt giảm một cách cơ học. Ngay trên địa bàn Hà Nội, dù ngân sách và các khoản thu luôn rất khó khăn nhưng thời gian qua chúng ta vẫn quan tâm đầu tư những dự án lớn như đường vành đai, đường sắt trên cao, đường xuyên tâm, hầm chui ở các nút giao thông trọng điểm... Nhờ đó, Hà Nội có sự thay đổi cả về lượng và chất, nhất là tầm vóc, quy mô, diện mạo với hàng loạt dự án lớn đã được hoàn thành như Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài; đường Vành đai 3 trên cao, đường Nhật Tân - Nội Bài, Đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và hoàn thành 7 cầu vượt, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Cùng với đó, thành phố chúng ta cũng đã và đang triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội; nghiên cứu đề xuất, triển khai tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo... Đó chính là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
- Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; đâu là những thành tựu nổi bật trong giai đoạn 2011-2015, thưa ông?
- Trong 5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn bình quân hằng năm tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010... Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong 5 năm đạt trên 1 triệu 400 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 1.080 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD…
- Cùng với những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, theo ông đâu là những dấu ấn nổi bật của Thủ đô và đất nước trong nhiệm kỳ 2011-2015?
- Trước hết là sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều phức tạp, chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Việt Nam luôn luôn là điểm đến an toàn. Hà Nội luôn là Thủ đô bình yên, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách và các nhà đầu tư quốc tế.
Điểm nhấn đặc biệt quan trọng nữa là, chưa bao giờ Việt Nam có mối quan hệ quốc tế rộng khắp, bình đẳng, hữu nghị, có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và có vị thế quốc tế vững vàng như hiện nay. Nhờ có đường lối đối ngoại sáng suốt, đúng đắn, Việt Nam ngày càng có những đóng góp tích cực, trách nhiệm vào đời sống chính trị khu vực và thế giới, phát huy vai trò tích cực trong cộng đồng ASEAN. Hình ảnh và vị thế của Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế. Điều đó được thể hiện thông qua việc lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã đến Việt Nam để bàn thảo, tìm tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới, tăng cường hợp tác song phương và đa phương, thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư. Trong thành tựu chung của cả nước, Thủ đô Hà Nội đã tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác với thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế. Hiện, Thủ đô Hà Nội có quan hệ hợp tác, hữu nghị với hơn 100 thành phố và thủ đô của các nước, qua đó không ngừng nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô, của đất nước trong cộng đồng quốc tế và bè bạn năm châu.
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2011-2015 phải nhìn nhận Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI là một dấu ấn quan trọng. Đây là một trong rất nhiều nghị quyết đề cập tới công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng ra đời vào thời điểm hết sức quan trọng. Nội dung của Nghị quyết chỉ ra những vấn đề vừa quan trọng, vừa cấp bách đối với Đảng, với xã hội, với chế độ và cũng là cấp bách từ đòi hỏi của nhân dân; đồng thời đưa ra biện pháp quyết liệt, tập trung vào việc củng cố xây dựng Đảng, làm trong sạch đội ngũ, trong sạch Đảng, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Điều đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
- Cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá rất cao những thành quả quan trọng của Đảng trong nhiệm kỳ 2011-2015. Và nhân dân đặt kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới, Đảng ta sẽ đề ra phương hướng, nhiệm vụ sát đúng, có bước đột phá mạnh mẽ hơn để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, hội nhập sâu hơn. Ông nghĩ sao?
- Bên cạnh những thành tựu to lớn, đất nước vẫn còn hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực. Ngay như việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng cũng đánh giá chưa đạt kết quả như mong đợi. Trong khi đó, tình hình bối cảnh quốc tế và trong nước 5 năm tới sẽ tác động rất nhiều đến sự phát triển của đất nước. Vì vậy, nhân dân ta mong muốn Đảng ta phải vững mạnh, thể hiện 3 yếu tố. Một là Đảng phải đoàn kết, hai là Đảng phải trong sạch, ba là Đảng phải trí tuệ. Nhìn lại lịch sử, Đảng đã phát huy cao độ yếu tố đoàn kết, tạo thành sức mạnh to lớn của Đảng. Tuy nhiên, đoàn kết chưa đủ mà Đảng phải trong sạch để dân tin và đặc biệt Đảng phải trí tuệ đủ năng lực lãnh đạo, đưa đất nước tiến nhanh, tiến chắc và đúng hướng.
Thứ hai, nhân dân mong muốn xây dựng hệ thống chính trị mà một yếu tố rất quan trọng là bộ máy nhà nước phải vững mạnh, không còn cồng kềnh, không còn thủ tục hành chính rườm rà. Bộ máy nhà nước phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, trách nhiệm và chuyên nghiệp, có năng lực quản lý xã hội hiện đại. Cán bộ, công chức phải trách nhiệm với dân, đúng như Bác Hồ nói “cán bộ là công bộc của dân” vì nhân dân phục vụ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!