Giá dầu xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua: Nhiều nước chật vật ứng phó

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:15, 17/01/2016

(HNM) - Tăng phiên đầu tiên sau 8 phiên giảm vào ngày 15-1, giá dầu thô Mỹ và giá dầu Brent đã


Trên thị trường New York Mercantile Exchange, giá dầu thô Mỹ giao tháng 2 giảm 1,78USD, tương đương 5,7%, xuống 29,42USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11-2003. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 3,22%, xuống mức 29,89 USD/thùng. Theo hãng tin Bloomberg, dầu được bán từ Saudi Arabia sang Châu Á còn thấp hơn, chỉ khoảng 26 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2002.

Thời hoàng kim của giá dầu đang lùi dần.


Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là triển vọng Iran sẽ tăng cường "bơm" dầu mỏ vào thị trường thế giới sau khi các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân nhằm vào Tehran dự kiến được dỡ bỏ vào ngày 15-1. Động thái này được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu trên thị trường năng lượng. Trong năm vừa qua, cứ mỗi ngày thế giới lại thừa thêm 1,5 triệu thùng dầu. Riêng tại Mỹ, dự trữ dầu hiện ở mức 482,3 triệu thùng, cao nhất trong 80 năm trở lại đây. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chững lại trong năm 2016, ước tính mức tiêu thụ dầu mỗi ngày sẽ là 1,2 - 1,25 triệu thùng từ mức cao 1,8 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2015. Trong khi đó, dự kiến xuất khẩu dầu thô của Iran tháng 1-2016 sẽ lên cao nhất 9 tháng. Hiện, Tehran đang nhắm đến Ấn Độ - thị trường dầu thô tăng trưởng nhanh nhất tại Châu Á - cũng như các đối tác cũ tại Châu Âu trong chiến lược tăng xuất khẩu dầu khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác là sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc - thị trường tiêu thụ năng lượng lớn thứ 2 thế giới - khiến tốc độ sản xuất bị đình trệ, tạo xu hướng giảm phát rất mạnh trên thế giới. Theo Ngân hàng Barclays, nhu cầu dầu Trung Quốc trong tháng 11-2015 đã giảm 4,9% (537.300 thùng/ngày) so với tháng 10-2015 và giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái (216.700 thùng/ngày). Mặt khác, mặc dù dự trữ dầu mỏ tại Mỹ chỉ tăng 234.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với dự báo, song việc nước này cho tăng cường dự trữ đến 8,4 triệu thùng xăng và hơn 6 triệu thùng chế phẩm từ dầu mỏ khác (gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm) lại là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng.

Trong bối cảnh giá dầu đang ngày càng có dấu hiệu sẽ tụt xuống 20 USD/thùng, nhiều quốc gia xuất khẩu mặt hàng này đang phải thực hiện nhiều bước đi nhằm tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu. Ngày 15-1, thị trường chứng khoán Mátxcơva của Nga có lúc đã giảm tới hơn 6% và Thủ tướng Dmitry Medvedev đã phải thừa nhận "những rủi ro nghiêm trọng" do nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và đồng nội tệ có thể rơi xuống mức thấp kỷ lục mới. Chính phủ Nga buộc phải giảm đáng kể chi tiêu, dừng một loạt dự án và cắt giảm bộ máy hành chính. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu tất cả các bộ sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến nào của "thị trường hàng hóa và chứng khoán".

Nga không phải là quốc gia duy nhất đang chật vật vì giá dầu thấp. Ngày 16-1, Chính phủ Venezuela đã ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trong 60 ngày nhằm bảo vệ những quyền xã hội cơ bản của công dân như giáo dục, sức khỏe, nhà ở và thể thao. Chính phủ 6 quốc gia vùng Vịnh chuyên sản xuất dầu lửa gồm Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Oman, Qatar và Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng đang lên "kịch bản" thuế kinh doanh lần đầu tiên do giá dầu giảm. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, nếu không có sự thay đổi chính sách của OPEC hay một sự gián đoạn nguồn cung bất ngờ nào đó, thì tồn kho dầu của thế giới sẽ tiếp tục tăng cho tới năm 2017. Đây sẽ là thách thức khó vượt cho các quốc gia có ngân sách phụ thuộc vào tiền bán dầu trong nhiều năm qua.

Quỳnh Dương