Thu giữ gần 300kg thực phẩm "bẩn" được đưa vào trường học ở quận Tây Hồ: Phải xử lý nghiêm!
Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 16/01/2016
"Biến" rau "bẩn" thành rau an toàn
Ông Nguyễn Anh Hiếu, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, tại thời điểm kiểm tra vào lúc 5h ngày 14-1, ông Trần Văn Đỗ và bà Trần Thị Đậu, Công ty cổ phần Rau quả Trung Thành (Công ty Trung Thành) không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Số lượng thực phẩm giao tại 3 điểm trường gồm: Thịt lợn, đậu cô ve, cà chua, hành lá, rau cải xanh, khoai tây, cà rốt, cải ngồng, bí xanh, cải cúc, rau mùi…
Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm để bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Ảnh: Thành Long |
Ông Trần Văn Thạo, Giám đốc Công ty Trung Thành xác nhận, số rau, quả mà công ty giao cho các Trường Mầm non Nhật Tân, Tứ Liên và Trường Tiểu học Phú Thượng mua không có hóa đơn, chứng từ. Hiện Công ty này đang cung cấp rau cho 7 trường học tại quận Tây Hồ và một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh. Ông Hiếu cho biết, cơ quan chức năng đã tịch thu toàn bộ 288,4kg thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ để tiêu hủy; đồng thời xử phạt vi phạm hành chính Công ty Trung Thành 5.000.000 đồng về hành vi vận chuyển, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, Vân Nội (Đông Anh) là vùng RAT nổi tiếng của Hà Nội. Toàn xã có hơn 100ha chuyên sản xuất rau với khoảng 50 - 60 loại rau, củ các loại. Thông qua 14 hợp tác xã và 3 công ty tiêu thụ, xã Vân Nội cung cấp cho thị trường trên 2.000 tấn rau sạch/năm. Việc Công ty Trung Thành mượn danh nghĩa cung ứng rau không bảo đảm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến người sản xuất tại vùng rau này nói riêng và của thành phố nói chung. Theo ông Hồng, phải xử lý nghiêm vụ việc này để răn đe các đối tượng kinh doanh gian dối.
Phải kiểm soát chặt từ gốc
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) của thành phố, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.400 trường đang tổ chức bếp ăn tập thể. Trung bình mỗi ngày các trường phục vụ khoảng 1,4 triệu suất ăn. Tại các trường học đang có 3 hình thức bếp ăn tập thể là tự nấu, phối hợp với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và mua suất ăn nấu sẵn. Nếu nguồn gốc thực phẩm không được kiểm soát chặt sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thế hệ tương lai của đất nước. Chính vì vậy, việc bảo đảm ATTP cho các cháu là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó trước hết thuộc về ngành Giáo dục.
Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên tại 42 bếp ăn ở các trường học của các quận, huyện, thị xã gần đây cho thấy có khoảng 10% còn sai sót liên quan đến xuất xứ nguồn gốc thực phẩm hoặc cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nơi, khi kiểm tra, đã xuất trình đầy đủ giấy tờ, hợp đồng với đơn vị cung cấp nhưng thực tế lại mua thực phẩm trôi nổi.
Theo quy định, ngành Giáo dục phải có hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm. Khi đã có hợp đồng, các nhà trường cần phải lấy thực phẩm đúng tại cơ sở đó và thực hiện nghiêm kiểm thực 3 bước theo quy định của Bộ Y tế. Trong bước 1 đã quy định rõ kiểm soát nguyên liệu đầu vào, bảo đảm cơ sở cung cấp thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm về bếp phải có hóa đơn và giấy giao nhận. Trường có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các khâu từ nhập thực phẩm, quy trình nấu nướng, cơ sở vật chất bếp ăn… Nếu đơn vị cung cấp không đáp ứng đủ điều kiện, kiên quyết không nhập thực phẩm. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cần kiểm soát chặt từ gốc, nếu phát hiện sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm.
Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, nguồn cung cấp thực phẩm cho nhà trường, bảo đảm bữa ăn của học sinh bán trú thật sự an toàn, hợp vệ sinh.