Phải có hành động mạnh mẽ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:20, 16/01/2016

(HNM) - Hai ngày qua, thông tin về việc Cảnh sát Môi trường phát hiện "rau bẩn" được tuồn vào bếp ăn trường học khiến dư luận xôn xao. Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội sau đó đã cho biết: Thủ tục kiểm tra của nhà trường là "đúng quy trình", đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ những hành vi sai trái của công ty cung ứng, xử lý nghiêm theo pháp luật...

Thực phẩm "bẩn" đã trở thành chuyện "biết rồi, nói mãi". Người dân kêu ca, phàn nàn, cơ quan chức năng cứ cảnh báo, còn rau, thịt, tôm, cá… "bẩn" vẫn tồn tại như một thách thức. Người dân sợ bệnh, sợ ung thư, nhưng không thể không ăn. Hiện nay, tỷ lệ ung thư của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới, trong đó giới chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng, thực phẩm "bẩn" (cùng với ô nhiễm môi trường) là nguyên nhân hàng đầu. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo về một thảm họa sẽ xảy ra với loài người khi tỷ lệ bệnh ung thư sẽ tăng đến 57% trong vòng 20 năm nữa.

Chúng ta đã có những chế tài pháp luật, có những thể chế quản lý, vì sao thực phẩm "bẩn" vẫn tràn lan, vẫn gây nhiều hệ lụy cho xã hội? Nguyên nhân chủ quan cũng có và khách quan cũng có. Những hành vi "đầu độc", xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người cần phải xử lý nghiêm khắc. Nhưng, có một thực tế là các cơ quan chức năng có muốn mạnh tay cũng không được vì luật đã định, không thể làm khác. Vậy là những quyết định xử phạt hành chính không đủ làm kẻ ác tâm sợ hãi. Còn trách nhiệm quản lý thì sao? Xin thưa, chỉ một quả trứng cũng có đến vài bộ chịu trách nhiệm, để rồi thực phẩm bẩn vẫn bẩn. Cơ quan có trách nhiệm là Hội Bảo vệ người tiêu dùng thì không có "công cụ" cưỡng chế. Để rồi những kẻ vô lương vẫn tiếp tục "đầu độc" người tiêu dùng.

Tác hại của thực phẩm bẩn đối với người tiêu dùng đã thấy rõ. Chẳng có lý do nào để bào chữa cho những kẻ biết rõ hậu quả từ những việc làm của mình đối với đồng loại. Đến lúc Nhà nước phải sử dụng hợp lý "gậy" hình sự và phải coi các hành vi sử dụng chất độc hại trong thực phẩm cũng như việc lưu thông, buôn bán thực phẩm "bẩn" như một hành vi "cố ý giết người", chứ đừng để xảy ra ngộ độc mới xử lý, không thể chờ người chết rồi mới truy cứu trách nhiệm. Không thể để tình trạng người dân hằng ngày lại bị đầu độc bằng hàng trăm, hàng nghìn thứ thực phẩm, hóa chất độc.

Mong rằng các cơ quan chức năng sớm hành động mạnh mẽ để xã hội sớm vơi bớt nỗi ám ảnh: "Chết từ miệng"!

Nữ Quỳnh