Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Đổi mới chất lượng tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 15/01/2016

(HNM) - Năm qua, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết, sâu hại, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giá cả nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm... Song bằng sự nỗ lực, toàn ngành đã vượt qua khó khăn và đạt kết quả khá toàn diện.


Nhiều mô hình hiệu quả

Nông nghiệp Hà Nội năm qua phát triển khá và đạt được những kết quả quan trọng: Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 đạt 45.190 tỷ đồng theo giá thực tế, tăng 6,59% so với năm trước; giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 233 triệu đồng/ha, tăng hơn 2 triệu đồng so với năm 2014. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất có chiều hướng gắn với chế biến và thị trường là nhờ Hà Nội triển khai thực hiện nhiều đề án, chương trình có trọng tâm, trọng điểm như: Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; đề án trồng cây ăn quả chất lượng cao; phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm… Thông qua các chương trình, đề án, đến hết năm 2015, toàn thành phố đã xây dựng vùng rau an toàn tập trung với tổng diện tích hơn 2.000ha; rà soát, xác định, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau cho 5.000ha; giá trị sản xuất rau trung bình đạt 300 - 500 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 1.200ha đạt 1 tỷ đồng/ha/năm.

Nhờ áp dụng nhiều phương pháp canh tác mới nên nền nông nghiệp Thủ đô tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Ảnh: Tứ Cường


Không riêng rau an toàn, chương trình sản xuất lúa hàng hóa cũng thu được kết quả cao. Đến nay, tổng diện tích các vùng lúa chất lượng cao trên toàn thành phố đạt gần 28.000ha với 120 mô hình cánh đồng mẫu lớn tại 86 HTX nông nghiệp. Đáng chú ý, từ chương trình lúa hàng hóa, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng thành công 3 nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao, gồm: "Gạo Bồ Nâu" xã Thanh Văn (Thanh Oai), "Gạo thơm Bối Khê" xã Tam Hưng (Thanh Oai) và "Gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn". Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đã giúp nông dân các vùng trồng lúa vươn lên làm giàu, tạo ra những vùng chuyên canh lớn.

Tương tự, đề án phát triển cây ăn quả đặc sản cũng cho những thành tựu đáng kể. Năm 2015, diện tích trồng cây ăn quả trên toàn địa bàn đạt hơn 20.000ha, tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. Chương trình phát triển cây ăn quả đã xây dựng được 3 mô hình giá trị kinh tế cao với diện tích 37ha tại 2 huyện Chương Mỹ, Hoài Đức. Đặc biệt, nhãn muộn Hoài Đức được đánh giá cao về chất lượng và lần đầu tiên sản phẩm nhãn chín muộn Hà Nội đã hoàn thành các thủ tục để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, Hà Nội bước đầu xây dựng được 21 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm gia cầm, thịt lợn, bò sữa và trứng...

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm

Năm 2016, ngành nông nghiệp Hà Nội đề ra mục tiêu giá trị tăng thêm của toàn ngành từ 3,5 đến 4%. Để đạt được con số này, đòi hỏi toàn ngành thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, mấu chốt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao. Đồng thời, tập trung phát triển theo các chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, hàng hóa...

Nhận định về xu thế phát triển nông nghiệp năm 2016, nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện sản xuất sẽ hết sức khó khăn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thiên tai, dịch bệnh luôn tiềm ẩn, giá cả nông sản bấp bênh... Mặt khác, sản xuất nông nghiệp luôn chịu nhiều rủi ro, vì vậy doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này cũng hạn chế. Hà Nội là Thủ đô nhưng nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực. Đa phần các huyện, thị xã, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế. Do đó, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị thành phố cần có những cơ chế, chính sách phát triển phù hợp...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cũng nhận định, năm nay, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp của thành phố cũng gặp áp lực cạnh tranh về thị trường nông sản khá lớn đến từ các nước trong khu vực... Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, ngành nông nghiệp cần rà soát các quy hoạch để từ đó đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư cho đúng, trúng để đạt hiệu quả cao nhất. Muốn vậy, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, xác định những cây, con chủ lực để phát triển; phải gắn với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, ngành nông nghiệp Hà Nội xác định ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất là điểm nhấn trong năm nay.

Đỗ Minh